Trại sáng tác số 3: Xử lý dữ liệu định lượng và những lưu ý khi ứng dụng Stata trong viết bài báo công bố quốc tế

Trong 2 ngày 16-17/7/2022 tại Hòa Lạc, Câu lạc bộ Nhà khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội (VSL) đã tổ chức thành công Trại sáng tác số 3 – VSL Writing Camp 3 với chủ đề “Xử lý dữ liệu định lượng”. Đây là nội dung tiếp nối của VSL Writing Camp 2 được tổ chức từ tháng 4/2022 tại Tuần Châu vừa qua.

Tháng 7 20, 2022 - 18:11
Tháng sáu 15, 2023 - 15:44
 0  14
Trại sáng tác số 3: Xử lý dữ liệu định lượng và những lưu ý khi ứng dụng Stata trong viết bài báo công bố quốc tế

Diễn giả, GS.TS Hoàng Văn Minh chia sẻ tại sự kiện

VSL Writing Camp 3 lần này đã mang tới cho các thành viên của trại sáng tác những kiến thức sâu hơn về nghiên cứu định lượng, đặc biệt là thực hành xử lý dữ liệu định lượng trên phần mềm Stata và những lưu ý khi ứng dụng Stata trong viết bài báo công bố quốc tế.

Tham gia Trại sáng tác gồm 40 nhà khoa học, nghiên cứu sinh đang công tác tại Đại học Quốc gia Hà Nội và các nhà khoa học thuộc nhóm Nghiên cứu Khoa học giáo dục VSE, với sự hướng dẫn của GS.TS. BS Hoàng Văn Minh (Hiệu trưởng Trường Đại học Y tế công cộng) và GS.TS Trần Trung (Giám đốc Học viện Dân tộc). Ngoài ra, Trại sáng tác lần này cũng đã mở rộng để dành cho 30 học viên tham dự trực tuyến qua Zoom.

Tại đây, các học viên đã được hướng dẫn cách sử dụng phần mềm Stata trong việc xử lý dữ liệu để phục vụ cho các nghiên cứu định lượng. Tương tự như ứng dụng xử lý số liệu trong nghiên cứu stata (SPSS) hay các phần mềm thống kê khác, Stata được sử dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau, từ kinh tế, khoa học chính trị, dịch tễ học, xã hội học, y sinh học…. Nhưng Stata có những ưu điểm vượt trội, phù hợp với người mới bắt đầu: sự đơn giản và linh hoạt trong việc quản lý, xử lý và phân tích dữ liệu. Stata sử dụng các lệnh trực tiếp (rất phù hợp với người mới bắt đầu), hoặc có thể soạn thảo thành một chương trình bao gồm nhiều lệnh cho một nhiệm vụ và thực hiện cùng một lúc. Các cấu trúc lệnh đơn giản, cú pháp rõ ràng và dễ phát hiện lỗi trong quá trình thực hiện.

Trại sáng tác số 3, các học viên đã có cơ hội thực hành sử dụng phần mềm Stata với một bộ số liệu có sẵn dưới sự hướng dẫn tỉ mỉ và nhiệt tình của hai Giáo sư để hiểu rõ hơn về quy trình xử lý và phân tích các số liệu định tính và định lượng trong các nghiên cứu định lượng. Với những kiến thức và kỹ năng từ Trại sáng tác số 3, các học viên kỳ vọng sẽ sớm có được những công bố quốc tế có giá trị trong thời gian gần nhất.

Phát biểu tại buổi bế mạc, PGS.TS Đào Thanh Trường, Trưởng Ban Điều hành Câu lạc bộ Nhà Khoa học ĐHQGHN cho biết: Trại sáng tác số 3 tổ chức nhằm đáp ứng nhu cầu và kỳ vọng của các nhà khoa học, nghiên cứu sinh của ĐHQGHN về việc nâng cao năng lực công bố quốc tế, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Bên cạnh việc trau dồi các kiến thức chuyên môn, Trại sáng tác số 3 còn là nơi giao lưu giữa các học viên, mở ra cơ hội hợp tác và học hỏi lẫn nhau giữa các cán bộ thuộc nhiều cơ quan, đơn vị giáo dục khác nhau và qua đó sẽ hình thành các nhóm nghiên cứu liên ngành, xuyên đơn vị. Trại sáng tác lần này cũng đã gợi mở về chủ đề của các Trại sáng tác tiếp theo của VSL trong thời gian tới, hứa hẹn thu hút nhiều sự quan tâm của các nhà khoa học, cán bộ trong và ngoài Đại học Quốc gia Hà Nội, góp phần đẩy mạnh hoạt động công bố quốc tế của giảng viên, nhà nghiên cứu và các nhà khoa học của Đại học Quốc gia Hà Nội.

TRẠI SÁNG TÁC – VSL WRITING CAMP do VSL dưới sự tài trợ của Ngân hàng BIDV cho Quỹ tài năng trẻ của ĐHQGHN, qua đó nhằm:

(i) Bồi dưỡng năng lực cho nhà khoa học: xin các nguồn tài trợ nghiên cứu, xây dựng đề xuất nghiên cứu, trình bày đề xuất nghiên cứu (từ các nguồn tài trợ nghiên cứu quốc gia và quốc tế như: NAFOSTED, NATIF, KC, KX, Vin Future, Worldbank, ADB, USAIDS, AUSAID, BRITISH COUNCIL…)

(ii) Nâng cao năng lực công bố quốc tế, hỗ trợ xuất bản quốc tế: hoàn thiện bản thảo, hiệu đính tiếng Anh, trả lời phản biện …

(iii) Kết nối: Hình thành các nhóm nghiên cứu liên ngành, xuyên ngành, tăng cường kết nối giữa các nhà khoa học đam mê nghiên cứu, trong và ngoài ĐHQGHN

(iv) Hình thành các nhóm Taskforce thực hiện các nhiệm vụ do BGĐ trực tiếp chỉ đạo

Nguồn: vnu.edu.vn