Trường Đại học Giáo Dục ĐHQGHN dạy học theo mô hình cho người học chiếm lĩnh tri thức

Trong bối cảnh đổi mới giáo dục hiện nay, cách thức dạy học phải chuyển từ cách truyền thụ tri thức sang cách tổ chức cho học sinh chiếm lĩnh tri thức. Mô hình đào tạo trên thế giới hiện nay rất đa dạng và phong phú như đào tạo theo mô hình STEM, dạy học theo dự án, dạy học theo module, dạy học tích hợp… Chính vì vậy, người giáo viên nếu chỉ có năng lực dạy học theo mô hình bài học theo truyền thống thì khó có khả năng thích nghi với nhu cầu phát triển năng lực đa dạng của người học, khó có thể tổ chức dạy học theo các mô hình dạy học hiện đại.

Tháng 8 6, 2022 - 18:12
Tháng 3 14, 2024 - 17:30
 0  37
Trường Đại học Giáo Dục ĐHQGHN dạy học theo mô hình cho người học chiếm lĩnh tri thức

Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục, ĐHQGHN Nguyễn Quý Thanh nhận định tại Hội nghị viên chức, người lao động và tổng kết năm học 2021-2022 của Nhà trường.

Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn dự và phát biểu chỉ đạo.

Cùng dự có đại diện lãnh đạo Văn phòng, các ban chức năng của ĐHQGHN và đại diện cán bộ viên chức, người lao động Trường ĐH Giáo dục.

Năm học 2021-2022, bên cạnh các nhiệm vụ trọng tâm về công tác tuyển sinh, đào tạo bậc THPT, đại học và đào tạo thạc sĩ, Trường ĐH Giáo dục tiếp tục tham gia tham vấn, góp ý tới các Hội đồng Quốc gia, chính sách của Ngành và các cơ quan Trung ương, tham gia tư vấn phát triển kinh tế - xã hội cho nhiều tỉnh, thành phố, góp phần thực hiện trách nhiệm xã hội của ĐHQGHN.

Về công tác đảm bảo chất lượng, Nhà trường là cơ sở giáo dục đầu tiên trong cả nước kiểm định chất lượng cấp cơ sở giáo dục chu kì 2. Hiện nay, Trường đang tiến hành các bước đánh giá ngoài cấp chương trình đào tạo (CTĐT) cho 03 CTĐT thạc sĩ. Trường THPT Khoa học Giáo dục là trường THPT đầu tiên của ĐHQGHN tham gia kiểm định và đạt chuẩn chất lượng giáo dục theo Bộ tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục & Đào tạo. Cùng với đó, ngày 1/3/2022, UBND thành phố Hà Nội đã công nhận Trường THPT Khoa học Giáo dục đạt chuẩn quốc gia cấp độ 1.

Về khoa học công nghệ, một số nhiệm vụ đã hoàn thành vượt trội so với kế hoạch đặt ra. Năm vừa qua, Nhà trường có 02 đề tài cấp Nhà nước và 02 đề tài thuộc Quỹ phát triển KHCN quốc gia đã được tổ chức nghiệm thu thành công. Một số đề tài cấp ĐHQGHN được phê duyệt mới trong năm học: 03 đề tài trọng điểm cấp ĐHQGHN; 08 đề tài cấp ĐHQGHN; 06 đề tài cấp cơ sở. Ngoài ra, 10 đề tài các cấp ĐHQGHN, Sở KHCN Hà Nội, cấp Tỉnh đang tiếp tục được cán bộ Trường ĐH Giáo dục triển khai thực hiện. Số lượng bài báo khao học thuộc danh mục ISI/SCOPUS tăng và đạt là 56 bài, trong đó các bài thuộc hệ thống Q1, Q2 là 35 bài, chiếm tỉ lệ 63%. Điều này chứng tỏ sự tiến bộ đáng ghi nhận của giảng viên Trường ĐH Giáo dục trong hoạt động nghiên cứu khoa học.

Năm học 2021-2022 cũng là năm học Trường ĐH Giáo dục tổ chức được nhiều hội thảo, seminar khoa học với các chủ đề đa dạng, trong đó, hầu hết nội dung gắn với định hướng về đào tạo và nghiên cứu khoa học của Nhà trường thu hút đông đảo nhà khoa học, nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên tham gia.

Công tác sinh viên cũng được Nhà trường đẩy mạnh với nhiều chính sách hỗ trợ, đặc biệt trong giai đoạn dịch Covid-19. Bằng các nguồn quỹ vận động, Nhà trường đã trao 5 đợt hỗ trợ cho các sinh viên bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, đồng thời kêu gọi hỗ trợ cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn có thể tiếp tục trở lại trường sau dịch. Nhà trường cũng tổ chức thành công nhiều chương trình dành riêng cho sinh viên với mục đích tạo sự hứng khởi, định hướng, giáo dục lòng yêu nghề, nâng cao ý thức trách nhiệm với bản thân, gia đình, nhà trường và xã hội như Chương trình UEd’s Student Team Building…

Phó Hiệu trưởng Phạm Văn Thuần trình bày phương hướng, kế hoạch nhiệm vụ năm học 2022 - 2023

Về phương hướng, kế hoạch nhiệm vụ năm học 2022-2023, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục Phạm Văn Thuần cho biết, Nhà trường đề ra 10 nhiệm vụ trọng tâm trong năm học tới trên các lĩnh vực hoạt động. Theo đó, Trường định hướng từng bước giảm quy mô đào tạo các ngành sư phạm và tăng dần quy mô đào tạo các ngành ngoài sư phạm; Từng bước chuyển các hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học tới Hòa Lạc, đảm bảo vận hành và tổ chức đào tạo cho sinh viên sư phạm năm thứ nhất học tại cơ sở Hòa Lạc trong năm học 2022-2023. Trường ĐH Giáo dục tiếp tục phát triển các CTĐT theo hướng liên thông, mở và linh hoạt, phát triển các hướng ngành trong đào tạo các ngành cử nhân đã có, bổ sung các CTĐT sau đại học theo quy chế mới ban hành.

Tại hội nghị, nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận hoàn thiện dự thảo báo cáo tổng kết của Trường đã được các đại biểu bàn thảo.

Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục Trần Thanh Nam

Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục Trần Thành Nam cho rằng, việc phát triển các CTĐT mới về khoa học giáo dục cần được thực hiện thường xuyên trên cơ sở đối sánh và cập nhật các CTĐT của các trường đào tạo về khoa học giáo dục trên thế giới. Để việc định hướng xây dựng các CTĐT/hướng ngành đào tạo bền vững, cần tổ chức tương thích các hướng nghiên cứu, hình thành các nhóm nghiên cứu theo định hướng mà các đại học giáo dục trên thế giới đang định hình gồm: Phát triển chương trình; Giám sát và quản trị giáo dục; Tâm lý học giáo dục; Chính sách giáo dục; Đào tạo giáo viên giáo dục phổ thông; Đào tạo giáo viên giáo dục mầm non; Quản trị giáo dục đại học; Giáo dục đặc biệt; Các dịch vụ tham vấn trị liệu cá nhân.

Chia sẻ về mô hình thực tập nghề nghiệp cho sinh viên, đại diện Khoa Công nghệ giáo dục khẳng định, một trong những định hướng chiến lược đào tạo của Trường ĐH Giáo dục là tăng cường sự gắn kết giữa đào tạo tại Nhà trường với thực tế giáo dục hiện nay, đảm bảo hệ thống năng lực thích ứng với những biến đổi của xã hội và ngành. Thực tập nghề nghiệp cần được coi là nhiệm vụ gắn với CTĐT chung, tạo sự chuyển tiếp giữa môi trường học tập với xã hội thực tiễn, là giai đoạn đoạn vừa làm vừa học hỏi, tư duy sáng tạo của chính sinh viên. Quá trình thực tập nghề nghiệp không thể đợi đến khi hoàn thành các nội dung lý luận mà cần được triển khai, tích hợp, lồng ghép một cách khoa học, triển khai sớm, bằng nhiều hình thức đa dạng, phù hợp với điều kiện về chuẩn đầu ra và định hướng đào tạo của Nhà trường.

Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn phát biểu chỉ đạo hội nghị

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn đánh giá, Trường ĐH Giáo dục đã hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm một cách toàn diện trên các phương diện công tác, đặc biệt là sự tăng trưởng vượt bậc của các công trình khoa học được công bố quốc tế, nhiều sản phẩm khoa học & công nghệ đa dạng.

Phó Giám đốc ĐHQGHN đề nghị, trong thời gian tới, Nhà trường cần đẩy mạnh hoạt động kết nối, hợp tác với doanh nghiệp, địa phương để thương mại hóa các sản phẩm khoa học công nghệ. Đồng thời, Nhà trường cần tăng cường việc kết nối với các đơn vị trong và ngoài ĐHQGHN nhằm phát triển và đa dạng hóa các sản phẩm khoa học công nghệ khác bên cạnh hoạt động đào tạo, bồi dưỡng giáo viên.

Phó Giám đốc Phạm Bảo Sơn tang Bằng khen và Cờ thi đua của Bộ Giáo dục & Đào tạo cho các tập thể có thành tích xuất sắc

Cùng với đó, Phó Giám đốc cũng đưa ra một số gợi ý cho Trường ĐH Giáo dục tận dụng mạng lưới đối tác là các trường phổ thông triển khai các hoạt động đào tạo STEAM cho học sinh phổ thông tại Hòa Lạc, từ đó tạo cơ hội gia tăng nguồn lực và vị thế của Nhà trường. Phó Giám đốc Phạm Bảo Sơn yêu cầu Nhà trường tiến hành khảo sát, xây dựng đề xuất triển khai chương trình đào tạo chất lượng cao dành cho học sinh dân tộc thiểu số.

Phó Giám đốc Phạm Bảo Sơn đặc biệt lưu ý Nhà trường khẩn trương xây dựng kế hoạch đưa sinh viên năm thứ nhất khối ngành sư phạm tới học tập tại Hòa Lạc. Đồng thời, Trường cũng cần lên phương án triển khai các hoạt động về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp tại Hòa Lạc.

Trong khuôn khổ hội nghị, lãnh đạo ĐHQGHN và lãnh đạo Trường ĐH Giáo dục đã trao các danh hiệu thi đua khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu, xuất sắc năm học 2021-2022.

Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục Nguyễn Quý Thanh trao giấy khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc

Nguồn: vnu.edu.vn