Ứng dụng ngoại chi phối thị trường gọi đồ ăn Việt
Ảnh: Internet
Các ứng dụng gọi đồ ăn do doanh nghiệp ngoại đứng sau như Grab, Gojek, Baemin, ShopeeFood đang thống lĩnh mảng dịch vụ đặt đồ ăn online trong nước.
Theo báo cáo xu hướng giao nhận thực phẩm và hàng hóa của Grab, người tiêu dùng Đông Nam Á đang sử dụng ứng dụng giao hàng như một công cụ tìm kiếm món ăn. 88% người tiêu dùng biết đến một cửa hàng mới nhờ ứng dụng trong khi 77% lướt các ứng dụng khi chưa quyết định được nhà hàng, cửa hàng ưng ý.
Các nhà hàng cũng đẩy mạnh số hóa để đáp ứng nhu cầu giao nhận của người dùng. Riêng ở Việt Nam, 9 trên 10 nhà hàng khẳng định các nền tảng giao hàng là dịch vụ không thể thiếu đối với hoạt động kinh doanh. Con số này thậm chí cao hơn mức trung bình trong khu vực.
Việc đẩy mạnh tận dụng công nghệ không chỉ gia tăng số lượng khách hàng/đơn hàng mà còn giúp doanh nghiệp F&B cắt giảm chi phí mặt bằng, nhân sự hay tiếp thị. Trong quá trình phục hồi sau dịch, tăng thu giảm chi luôn là mục tiêu được các nhà hàng đặt lên hàng đầu.
Thị trường ngày càng cô đặc
Theo báo cáo của Google, Temasek và Bain & Company, nền kinh tế số của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất khu vực. Tổng giá trị hàng hóa (GMV) của Việt Nam dự kiến tăng 28% từ 18 tỷ USD trong năm 2021 lên 24 tỷ USD nhờ sự tăng trưởng 26% của thương mại điện tử.
Khoảng 90% người tiêu dùng kỹ thuật số dự định duy trì, thậm chí gia tăng sử dụng các nền tảng thương mại điện tử trong 12 tháng tới trong khi dịch vụ giao đồ ăn là 82%.
Năm 2025, quy mô nền kinh tế số có thể tăng lên 49 tỷ USD. Trong đó, lĩnh vực vận tải và giao đồ ăn đóng góp 5 tỷ USD với tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm đạt 21% so với năm 2022.
Báo cáo của Q&Me ghi nhận hồi tháng 12/2020 cho thấy GrabFood, Now (nay là ShopeeFood) là hai dịch vụ gọi đồ ăn phổ biến nhất khi cùng có 73% người đã từng sử dụng. Mặt khác, con số của Baemin và GoFood là cùng 46% trong khi Loship chỉ vỏn vẹn 2%.
Song, GrabFood có tới 37% người dùng thường xuyên, kế sau là Now (34%), Baemin (16%), GoFood (11%) và Loship (2%).
Bước sang năm 2021, Q&Me cho biết hầu hết ứng dụng đều suy giảm tỷ lệ người từng sử dụng, đơn cử GrabFood giảm 73% xuống 72%, ShopeeFood giảm 73% xuống còn 66%, GoFood giảm 46% xuống 39%. Chỉ một số tay chơi mới gia nhập thị trường như Baemin cải thiện từ 46% lên 54%, Loship cải thiện từ 14% lên 21%.
Ở nhóm người dùng thường xuyên, Baemin duy trì tăng trưởng từ 16% lên 20%, GoFood và Loship giữ nguyên tỷ lệ lần lượt 11% và 2% còn GrabFood và ShopeeFood giảm 2% và 3%.
Trên thực tế không riêng gì Việt Nam, Grab còn thống lĩnh mảng gọi đồ ăn ở phần lớn thị trường thuộc Đông Nam Á. Theo công ty phân tích Momentum Works, 6 thị trường giao đồ ăn dẫn đầu Đông Nam Á có tổng GMV lên tới 15,5 tỷ USD vào năm ngoái. Đóng góp của Grab vào con số này lên tới 49%.
Doanh nghiệp ngoại chi phối
Nhìn vào hàng loạt cái tên quen thuộc như GrabFood, GoFood, ShopeeFood, Baemin, Loship hay mới nhất là beFood, không khó để nhận ra thị trường gọi đồ ăn tại Việt Nam hiện nay chủ yếu do nhóm doanh nghiệp ngoại chi phối. Một thực tế khác là các ứng dụng “made in Vietnam” từng có vị thế vững chắc trong nước trước khi rơi vào tay các ông chủ ngoại.
Nổi bật nhất là Now (hay còn gọi là Delivery Now), được thành lập từ năm 2016 bởi Công ty CP Foody (thành lập vào tháng 6/2012 bởi ông Đặng Hoàng Minh). Đây là ứng dụng giao hàng xuất hiện sớm ở Việt Nam, đặc biệt ở mảng giao đồ ăn.
Tháng 9/2017, tập đoàn Sea Limited (công ty mẹ của Shopee, Garena, SeaMoney) thâu tóm 82% cổ phần Foody trị giá 64 triệu USD. Trước đó, Trước đó, Sea từng là nhà đầu tư cho Foody trong vòng gọi vốn Series B hồi năm 2015.
Cuối năm 2021, ứng dụng Now chính thức đổi tên thành ShopeeFood, sáp nhập chính thức vào hệ sinh thái của Shopee bên cạnh dịch vụ mua hàng thương mại điện tử và thanh toán trực tuyến ShopeePay.
Now chính thức đổi tên thành ShopeeFood vào cuối năm 2021. Ảnh: Chí Hùng.
Một ứng dụng thuần Việt khác là Loship thuộc sở hữu của Lozi. Loship được thành lập vào năm 2017, theo tuyên bố tính đến tháng 6/2019, nền tảng có 1 triệu khách hàng, 20.000 đối tác tài xế với 10 dịch vụ bên cạnh giao đồ ăn như thương mại điện tử, gọi xe, đi chợ, vận chuyển hàng…
Năm 2018, thị trường gọi xe công nghệ chấn động trước thông tin Uber rời thị trường Việt Nam cũng như Đông Nam Á. Nhân cơ hội này, Grab tiếp quản mảng kinh doanh của đối thủ lẫn dịch vụ UberEats.
Grab thử nghiệm GrabFood vào tháng 5/2018 tại TP.HCM và chính thức đi vào vận hành một tháng sau đó. Tháng 10 cùng năm, dịch vụ bắt đầu triển khai tại Hà Nội.
Đây cũng là năm thị trường gọi xe công nghệ xuất hiện ông lớn nước ngoài mới là GoViet (nay là Gojek). Giai đoạn khởi sự, GoViet cung cấp 3 dịch vụ chính gồm GoBike, GoFood và GoSend tại Hà Nội và TP.HCM.
Một năm sau, tức năm 2019, thương hiệu Baemin xuất hiện tại thị trường Việt Nam. Đây cũng là ứng dụng gọi đồ ăn có lịch sử M&A phức tạp nhất hiện nay.
Tiền thân của Baemin là ứng dụng gọi đồ ăn Vietnammm, được thành lập vào tháng 2/2011 bởi Jochem Lisser, một người Hà Lan sinh sống ở Việt Nam, với mong muốn khắc phục tình trạng không có dịch vụ nào đáp ứng nhu cầu đặt món ăn online và giao tận nơi.
Vietnammm từng tiếp quản Foodpanda, mảng giao nhận đồ ăn trực tuyến của Rocket Internet gia nhập thị trường Việt Nam từ năm 2012, sau khi nền tảng này rút khỏi thị trường Việt Nam vào năm 2015.
Cuối tháng 2/2019, Woowa Brothers, doanh nghiệp đứng sau Baemin, thâu tóm Vietnammm. Tháng 3 năm ngoái, tập đoàn Delivery Hero tiếp tục hoàn tất việc thâu tóm Woowa Brothers. Delivery Hero cũng là ông chủ mới của Foodpanda từ năm 2016. Delivery Hero cũng từng được Rocket Internet đầu tư gần 800 triệu USD.
Nguồn: Tổng hợp