Ươm tạo đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển các kết quả nghiên cứu khoa học
Cơ sở ươm tạo đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển các kết quả nghiên cứu khoa học có khả năng thương mại hóa và là “chiếc nôi” ươm mầm doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Tuy vậy, trước những thách thức đang đặt ra trong lĩnh vực này, các cấp, ngành chức năng cần có những chính sách phù hợp để tiếp sức, ươm tạo doanh nghiệp.
Phần lớn các doanh nghiệp đều “tự ươm”
Hoạt động chính của cơ sở ươm tạo là cung cấp các dịch vụ và cơ sở vật chất cần thiết để hỗ trợ việc khởi nghiệp từ giai đoạn hình thành ý tưởng, phát triển sản phẩm cho đến khi thành lập và phát triển doanh nghiệp. Hà Nội hiện có 3 mô hình cơ sở ươm tạo.
Thứ nhất, mô hình do cơ quan nhà nước thành lập và hoạt động dưới hình thức đơn vị sự nghiệp, nhằm tổ chức và triển khai hoạt động hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân có ý tưởng, kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ thực hiện việc hoàn thiện công nghệ, sản xuất thử nghiệm và thành lập doanh nghiệp. Chẳng hạn như Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao (Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc) và Vườn ươm doanh nghiệp chế biến và đóng gói thực phẩm Hà Nội do Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp (Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội) quản lý.
Thứ hai, mô hình nằm trong trường đại học và viện nghiên cứu, dưới hình thức đơn vị sự nghiệp, tổ chức khoa học và công nghệ hoặc doanh nghiệp trực thuộc, như: Trung tâm Ươm tạo công nghệ và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Viện Ứng dụng công nghệ), Cơ sở ươm tạo thuộc Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển công nghệ bách khoa Hà Nội (BK-Hoidings) (Đại học Bách khoa Hà Nội)... Thứ ba, mô hình thuộc doanh nghiệp, do tư nhân đầu tư thành lập và hoạt động theo hình thức là doanh nghiệp hoặc một bộ phận thuộc doanh nghiệp, hoạt động vì lợi nhuận.
Bà Lê Thanh Hiếu, nguyên Trưởng phòng Quản lý công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội) cho biết, trong giai đoạn 2016-2020, Hà Nội có khoảng 10 cơ sở ươm tạo công nghệ, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trong các lĩnh vực: Công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, nông nghiệp, công nghệ cao, chế biến thực phẩm, cơ khí, tự động hóa... Các cơ sở ươm tạo đã bước đầu thu hút được sự quan tâm, tận dụng nguồn lực để nuôi dưỡng doanh nghiệp khởi nghiệp.
Tuy nhiên, hầu hết đang phải đối mặt với nhiều thách thức để tạo được sức hút thực sự đối với các doanh nghiệp. Thách thức lớn nhất của hoạt động ươm tạo doanh nghiệp là chưa có đầu vào tốt và thiếu công cụ hỗ trợ, nhất là công cụ tài chính, bởi đầu tư vào lĩnh vực này cũng được xem là đầu tư mạo hiểm. Hệ thống các văn bản chính sách, pháp luật liên quan đến ươm tạo dù được ban hành từ rất sớm, song chưa hoàn chỉnh, chưa thống nhất và còn nhiều khoảng trống. Trong khi đó, nguồn lực hỗ trợ từ ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, chủ yếu dành cho mặt bằng, cơ sở nhà xưởng...
“Đến tháng 11-2022, trong số 135 doanh nghiệp khoa học và công nghệ của Hà Nội, chưa doanh nghiệp nào được hình thành từ các cơ sở ươm tạo. Phần lớn các doanh nghiệp đều “tự ươm””, bà Lê Thanh Hiếu thông tin thêm.
Để phát triển hoạt động ươm tạo...
Với mục tiêu xây dựng Hà Nội thành trung tâm khởi nghiệp sáng tạo của cả nước, thành phố Hà Nội đã ban hành “Đề án hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2019-2025”. Đề án đã đưa ra các chính sách hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, mặt bằng cho hoạt động khởi nghiệp sáng tạo; hỗ trợ kinh phí ươm tạo các dự án, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tại các cơ sở kỹ thuật, cơ sở ươm tạo...
Sau 3 năm triển khai (2020-2022), Hà Nội đã hỗ trợ được 2 cơ sở ươm tạo và dự kiến sẽ hỗ trợ thêm 3 cơ sở nữa trong thời gian tới. Tuy nhiên, theo bà Lê Thanh Hiếu, thành phố vẫn chưa bố trí được quỹ đất để hình thành Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo, cũng chưa phê duyệt Đề án vườn ươm công nghệ và doanh nghiệp khoa học và công nghệ, tại Khu công nghệ cao Hòa lạc do phải chờ tổ chức bộ máy của Sàn giao dịch công nghệ hoàn tất.
Để phát triển hoạt động ươm tạo nhằm phát huy vai trò chủ đạo của khoa học, công nghệ trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Giám đốc ươm tạo của BK Holdings Phạm Tuấn Hiệp cho rằng, cần có quy định khi doanh nghiệp ươm tạo thành công sẽ có trách nhiệm trích một phần doanh thu để hỗ trợ duy trì hoạt động của vườn ươm; có chính sách thu hút các nguồn tài trợ từ khu vực tư nhân; nâng cao nhận thức cộng đồng về ươm tạo công nghệ, doanh nghiệp khoa học và công nghệ; mở rộng mạng lưới liên kết với các vườn ươm, viện, trường, chuyên gia, nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Còn Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Năm Sao Việt Nguyễn Đình Uyên đề xuất, các cơ quan quản lý nhà nước cần sớm hoàn thiện các quy định về thẩm định, chứng nhận và hướng dẫn hưởng chính sách ưu đãi, giúp doanh nghiệp sớm được hưởng ưu đãi về thuế, miễn giảm tiền thuê đất và ưu đãi đầu tư để có doanh nghiệp khoa học và công nghệ được hình thành từ cơ sở ươm tạo, chứ không phải “tự ươm” như hiện nay.
Nguồn: hanoimoi.com.vn