Về Làng Chuông, xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, TP Hà Nội xem làm "nón lá"
Làng Chuông nằm cạnh bên sông Đáy, cách trung tâm huyện Thanh Oai 3km, cách trung tâm Hà Nội 30km. Làng Chuông còn được người dân ví như vẻ đẹp truyền thống của làng quê Bắc Bộ, hòa cùng vẻ đẹp độc đáo mà nghề sản xuất nón lá mang lại.
Vào thế kỷ thứ 8, làng Chuông có tên là Trang Thì Trung, về sau đông dân hơn nên được mở rộng thành làng. Đầu thời Lê Sơ, làng Chuông đông đúc.
Làng Chuông có lịch sử hàng ngàn năm với nhiều biến động thăng trầm, nơi đây còn ghi dấu nhiều di tích như đình, đền, chùa, miếu, nhà thờ họ, nhà thờ giáo xứ, giếng cổ và hộ gia đình làm nghề truyền thống.
Bà Nguyễn Thị Bình (70 tuổi), nghệ nhân làm nón tại làng Chuông cho biết, ban đầu những người dân trong làng Chuông chỉ làm nón để gia đình dùng. Tuy nhiên, sau đó vài năm, những chiếc nón lá ở làng Chuông nổi tiếng, được bán khắp nơi, thậm chí sản phẩm nón lá ở nơi này còn được mang vào cúng tiến cho các hoàng hậu, công chúa trong cung.
Trải qua thời gian, người dân dần biến tấu và phát triển các loại nón lá cho phù hợp với xu thế. Vào thời điểm khoảng thế kỷ 20, nón ba vòng được sản xuất khá nhiều ở làng Chuông. Nhưng từ năm 1940, làng chỉ làm duy nhất một loại là loại nón lá.
Chia sẻ với phóng viên Dân Việt, nhiều bậc cao niên trong làng Chuông cho biết thêm, nghề làm nón được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Những người phụ nữ ở làng Chuông bằng sự khéo léo của đôi bàn tay đã tạo ra những chiếc nón xinh xắn, bền đẹp.
Cả làng Chuông có gần 4.000 hộ thì phần lớn các hộ dân đều biết làm nón. Sự phong phú và đa dạng về mẫu mã chủng loại, cùng với chất lượng tốt đã khiến nón Chuông không chỉ đến được với các nước Đông Nam Á, Trung Quốc, Nhật Bản mà còn xuất sang các nước ở phương Tây, có mặt trong những siêu thị lớn.
Thăng trầm nghề làm nón
Những đứa trẻ ở làng Chuông khi còn bé được bố mẹ dạy cho cách làm nón lá. Cũng bởi vậy mà từ nhiều năm nay người coi nghề làm nón lá là công việc chính, đem về thu nhập lớn để nuôi gia đình.
Hằng tháng, làng Chuông lại họp chợ nón 6 lần, vào các ngày mùng 4, 10, 14, 20, 24, 30 Âm lịch. Các phiên chợ nón được mở mang lại không khí đậm đà bản sắc văn hóa làng quê Việt. Bà Nguyễn Thị Hoa, ở huyện Thanh Oai kể rằng, những chiếc nón lá ở làng Chuông được người dân Thủ đô ưa chuộng.
"Từ nhiều năm nay, chiếc nón lá được người dân sử dụng rộng rãi. Người dân đội nón đi làm đồng, đi chợ, thậm chí là đi chơi. Tại nhiều khu du lịch, chiếc nón lá còn là biểu tượng về nét văn hóa của người dân Việt Nam. Tôi rất mong muốn người dân lưu giữ, phát triển nghề này mạnh mẽ hơn", bà Hoa bộc bạch.
Đến nay, ngôi làng nhỏ bé luôn tấp nập khách ra vào. Khách đến làng không chỉ để đặt hàng mà còn muốn tham quan, tận mắt chứng kiến công việc làm nón. Trong khuôn viên của từng gia đình, những cụ già, em nhỏ cặm cụi ngồi trong nhà hay dưới bóng mát của tán cây khâu từng chiếc nón.
Trên các sân hay ven đường đê, các bãi cỏ giáp cánh đồng phơi trắng lá nón. Bên trong chợ Chuông những chồng nón các loại xếp cao ngất cùng với các vật liệu làm nón như: lá nón, vòng nón, cước khâu, sợi tế bày la liệt.
Nhịp sống của làng nghề làm nón lá không ồn ào, gấp gáp, sôi động như các làng dệt, làng chế biến thực phẩm, làng mộc điêu khắc… mà ngược lại rất âm thầm, lặng lẽ, bền bỉ nhưng lại tỏa ra sức hấp dẫn riêng của một làng nghề nổi tiếng từ lâu.
Nguồn: Dân Việt!