VNU-LIC: Hướng tới Trung tâm Tri thức số toàn diện đầu tiên tại Việt Nam

Ngày 6/1/2022, Trung tâm Thông tin Thư viện, ĐHQGHN (VNU- LIC) đã tổ chức hội nghị tổng kết năm học 2021 và kế hoạch nhiệm vụ 2022. Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn tham dự dưới hình thức trực tuyến.

Tháng sáu 30, 2022 - 22:03
Tháng sáu 17, 2023 - 17:59
 0  46
VNU-LIC: Hướng tới Trung tâm Tri thức số toàn diện đầu tiên tại Việt Nam

Trung Tâm Thông tin Thư viện ĐHQGHN tiên phong trong chuyển đổi số

Sự phát triển của khoa học công nghệ, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong lĩnh vực thông tin – thư viện là cơ hội cho thư viện nói chung và Trung tâm nói riêng trở thành là nơi định hướng thông tin, giúp cho người dùng tin là học sinh, sinh viên, cán bộ, giảng viên, nhà nghiên cứu, nhà khoa học trong toàn ĐHQGHN nhanh chóng tìm kiếm, khai thác và sử dụng những thông tin có giá trị cao phục vụ học tập, giảng dạy và nghiên cứu khoa học. 

Chủ trương chuyển đổi số của ĐHQGHN là đổi mới toàn diện và nâng cao hiệu suất hoạt động quản trị hệ thống, đào tạo, nghiên cứu - phát triển, gắn kết và phát triển cộng đồng dựa trên nền tảng và giải pháp công nghệ số hiện đại với sự phát triển kho học liệu số lớn.

VNU-LIC có nhiệm vụ lưu trữ, xử lý, tổ chức và phục vụ nhu cầu học liệu, tài nguyên thông tin học thuật cho hơn 50.000 người học, giảng viên, nhà nghiên cứu, cán bộ ĐHQGHN. Thư viện số nội sinh VNU-LIC vươn lên vị trí 54/3.803 trong bảng xếp hạng thế giới và gia tăng ảnh hưởng học thuật của ĐHQGHN trên  phạm vi toàn cầu. 

Giám đốc Trung tâm Thông tin Thư viện Nguyễn Hoàng Sơn cho biết: Theo số liệu cập nhật ngày 2/9/2021, kho tài nguyên số nội sinh của ĐHQGHN ở vị trí 54 trong tổng số 3.803 kho tài nguyên số nội sinh toàn cầu (tăng 10 bậc so với tháng 5/2021) và đồng thời ở vị trí 65 trong tổng số 3.942 tất cả các kho tài nguyên số toàn cầu (tăng 10 bậc so với tháng 5/2021). Nhiều năm qua VNU-LIC luôn là một đơn vị dẫn đầu trong khối thư viện đại học, xếp số 1 Việt Nam và thứ hạng cao trong bảng xếp hạng kho tài nguyên nội sinh theo chuẩn Webometrics thế giới.

Theo thống kê từ tháng 1 đến tháng 10/2021, VNU-LIC đã xác lập kỷ lục về số liệu phục vụ học liệu số (gấp nhiều lần so với cùng kỳ năm ngoái 2020) như sau: Tổng số lượt tương tác thư viện năm 2021: 31.541.139 lượt, tăng 33,45 % so với cùng kì năm 2020 là 23.634.971 lượt. Về tài liệu số, VNU-LIC đã xây dựng, tạo lập, quản trị và đưa vào phục vụ đông đảo bạn đọc ĐHQGHN thư viện số với các loại hình học liệu số phát triển trên các nền tảng công nghệ như sau:

(1) Học liệu số trên nền tảng công nghệ di động (Giáo trình số và sách điện tử) với 151.380 tên tài liệu. Bạn đọc có thể mượn, đọc tài liệu số trên các thiết bị di động mọi nơi, mọi lúc tăng 168% (Năm 2020 là 56.493 tài liệu).

(2)  Hệ thống tài liệu số nội sinh với hơn 83.645 tên, trong đó luận án, luận văn số ~ 33.433 tên; kết quả đề tài nghiên cứu khoa học: ~ 2.000 tên và hơn 48.212 tài liệu số khác (http://repository.vnu.edu.vn/).

(3) Cơ sở dữ liệu điện tử trực tuyến (SpringerLink, ScienceDirect, Bookboon, WorldScientific, MathSciNet, …) với gần 53.000 sách điện tử; 4.100 tạp chí với hàng trăm ngàn bài.

(4) Bạn đọc cũng có thể kết nối và khám phá hệ thống dữ liệu lớn học thuật toàn cầu (kết nối hơn 90% CSDL Open Access truy cập mở miễn phí của các trường đại học thế giới) thông qua hệ thống tìm kiếm thông minh URD2 của Trung tâm.

Hướng đến Trung tâm Tri thức số hiện đại

Trong những năm tới, Trung tâm Tri thức số - Thư viện với các chức năng, nhiệm vụ mở rộng sẽ tạo tiền đề quan trọng để Trung tâm triển khai, hoàn thành các nhiệm vụ trong giai đoạn 2021-2025, 2025-2030 bao gồm:

- Số hóa 100% học liệu phục vụ cho nghiên cứu số - đào tạo số – học tập số.

- Thu thập, lưu trữ, tổ chức và phát triển hệ thống dữ liệu lớn ĐHQGHN (VNU Big Data).

- Xây dựng và phát triển nền tảng công nghệ 4.0 hiện đại

- Mở rộng và gia tăng các dịch vụ quản trị dữ liệu số - thông tin số - tri thức số.

- Kiến tạo và phát triển thế hệ người dùng tin sáng tạo, tự học tập và tự nghiên cứu suốt đời.

- Chuẩn bị nguồn nhân lực và kế hoạch triển khai xây dựng VNU-LIC tại Hòa Lạc.

- Điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ và tên gọi của Trung tâm Thông tin – Thư viện, ĐHQGHN đã được thông qua với tên mới là Trung tâm Tri thức số.

- Thực hiện chuyển đổi số toàn diện, phát triển hệ sinh thái số sáng tạo, trong đó tiếp tục phát triển tài nguyên thông tin số, đặc biệt là học liệu số.

- Tăng cường, nâng cấp hạ tầng phần cứng. Phát triển ứng dụng ONE VNU KNOWLEDGE HUB nhằm thống nhất tất cả các nền tảng công nghệ, nguồn lực thông tin, tri thức, dịch vụ vào một ứng dụng duy nhất để phát huy hiệu quả hạ tầng công nghệ, thông tin và các dịch vụ trong toàn ĐHQGHN.

- Tăng cường phát triển hệ sinh thái người dùng tin ĐHQGHN, đẩy mạnh, nâng cao chất lượng tương tác, trải nghiệm người dùng. Thực hiện đầy đủ, hiệu quả các hoạt động kiểm định, khảo sát chất lượng giáo dục. Căn cứ kết quả, ý kiến đánh giá của các tổ chức kiểm định cũng như phản hồi hằng năm của bạn đọc, tiếp tục điều chỉnh, cải tiến nhằm nâng cao chất lượng các dịch vụ và điều kiện CSVC, nguồn tài liệu phục vụ bạn đọc.

Tại hội nghị tổng kết của Trung tâm, Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn ghi nhận những thành tích mà Trung tâm đã đạt được trong năm vừa qua. Đánh giá cao Trung tâm đã tiên phong trong tinh thần phục vụ và chuyển đổi số, cụ thể bookworm trở thành thương hiệu, lượt tương tác, tài liệu nội sinh, công tác hỗ trợ cán bộ sinh viên trực tuyến nhiệt thành luôn được người dùng phản hồi tốt. Sự phát triển của Trung tâm đã góp phần vào thành tích chung của ĐHQGHN trong thời gian qua.

Trong thời gian tới, Trung tâm cần tiếp tục khẳng định vị thế của Trung tâm Tri thức số tiên phong của cả nước, đồng thời tăng cường triển khai các hạng mục theo kế hoạch đã đặt ra. Phó Giám đốc ĐHQGHN lưu ý Trung tâm trong công tác bản quyền tác giả, vấn đề bảo mật thông tin cần phải được đảm bảo tuyệt đối.

ĐHQGHN cam kết sẽ hỗ trợ đồng hành cùng Trung tâm để phát triển vững mạnh, xứng tầm vị thế là Trung tâm Tri thức số.

Trong phần thảo luận, nhiều cán bộ, nhân viên Trung tâm đã đóng góp ý kiến xây dựng, đồng thời nêu các đề xuất kiến nghị với lãnh đạo Trung tâm và lãnh đạo ĐHQGHN để mong muốn đưa Trung tâm phát triển tương xứng với vị thế vốn có cũng như vai trò mới của một trung tâm Tri thức số đầu tiên của Việt Nam.

Nguồn: vnu.edu.vn