Vỡ mộng trả góp mua nhà
Tòa chung cư cao tầng tại Hà Nội. Ảnh Internet
Lần thứ hai trong một năm vợ chồng Đức Trung phải rao bán nhà vì thu nhập giảm, lãi suất tăng, không thể "gồng" nổi tiền lãi ngân hàng.
Bốn năm trước, vợ chồng anh đặt cọc mua căn hộ 70 m2, gần 1,7 tỷ đồng ở quận Bắc Từ Liêm. Họ gom từ nhiều nguồn được một tỷ đồng, số còn lại vay ngân hàng, thời hạn trả trong 15 năm.
Hai người nhẩm tính tổng thu nhập 32 triệu đồng mỗi tháng đủ để trả ngân hàng hơn 11 triệu và 9 triệu đồng chơi họ (đã lấy tiền mua nhà), còn lại chi tiêu cho hai mẹ con vì anh Trung ở trong quân đội. Hè năm ngoái vợ chồng nhận nhà nên phải vay thêm hơn 100 triệu đồng làm nội thất. "Sau 5 năm cưới nhau cuối cùng chúng tôi cũng có một ngôi nhà của mình, đi xa cũng yên tâm cho vợ con", anh Đức Trung, 35 tuổi, nói.
Một năm đầu, khoản vay ngân hàng được hỗ trợ lãi suất, chỉ phải trả gốc nên gia đình chưa có áp lực. Sang năm thứ hai, bài toán tài chính quá chặt khiến họ đuối sức dần, đặc biệt mỗi lần con ốm, đóng học. Những chuyến đi thăm chồng, ăn chơi đều phải cắt giảm.
Đỉnh điểm cuối năm 2022, lãi suất ngân hàng thả nổi khiến số tiền phải đóng tăng lên gần 15 triệu đồng, vợ chồng Trung phải vay chỗ nọ đập chỗ kia. Đầu óc lúc nào cũng "quay như chong chóng" vì tiền.
"Dù đã cắt giảm mọi thứ mà vẫn không đủ. Áp lực khiến tôi ngạt thở, nghĩ đến bán nhà", chị Hân, vợ anh Trung chia sẻ. Đợt đó bố mẹ chồng có sổ tiết kiệm 100 triệu đồng định để dưỡng già, đành rút ra cho con xoay xở.
Từ cuối năm ngoái đến đầu năm nay tình hình kinh tế ảm đạm, nhiều ngành nghề buộc phải cắt giảm nhân sự, như CNTT, thương mại điện tử cắt giảm trung bình 25%, bất động sản 22%; bảo hiểm 18%, theo nghiên cứu của công ty nghiên cứu thị trường Intage Việt Nam.
Hân nằm trong số người lao động chịu ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão này. Công việc làm thêm bị mất, lương cơ quan cũng giảm. Thu nhập từ 20 triệu đồng còn 8 triệu. Tình trạng cắt giảm nhân sự hàng loạt khiến cô nơm nớp lo sợ đến lượt mình.
Trong tình cảnh đó, hai vợ chồng phải vay mượn bạn bè, anh em từ một vài triệu đồng để gom góp lại mỗi khi đến đợt trả lãi. Nhưng ai cũng khó, không thể giúp lâu, giữa năm nay Hân ra quyết định rao bán nhà lần hai.
Từ khi kết hôn bốn năm trước, vợ chồng Hà Phương (quê Nam Định) đã mua được căn hộ hơn 80 m2 ở quận Hoàng Mai, giá 1,8 tỷ đồng. Họ có 500 triệu, vay người thân không mất lãi được 500 triệu, còn lại vay ngân hàng, thời hạn 20 năm.
Thời điểm đó cả hai có công việc ổn định, thu nhập hơn 40 triệu đồng mỗi tháng. Khoản trả ngân hàng hàng tháng hoàn toàn nằm trong khả năng. Covid-19 khiến mọi tính toán của họ đổ vỡ. Công ty Phương chậm lương, rồi mất việc. Đến nay cô đã nhảy việc vài nơi vẫn chưa được ký hợp đồng chính thức. Thu nhập bấp bênh, hiện dao động ở mức 5 triệu đồng mỗi tháng.
Mùa đông năm ngoái là thời điểm "áp lực muốn nổ tung" của cặp vợ chồng trẻ, khi khoản trả ngân hàng lên đến 15 triệu đồng, cao hơn bình thường hơn 2 triệu. Con trai họ sức khỏe yếu, ra vào viện như cơm bữa. Gánh nặng kinh tế đè lên vai người chồng. Anh ngoài làm công ty xây dựng, tối về lại làm thêm cho một công ty khác. Vì tiền bạc mà tình cảm hai vợ chồng đi xuống, có những lúc không thèm nhìn mặt nhau.
Lãi suất cho vay tăng mạnh từ cuối năm 2022 khiến không ít người mua nhà lâm vào khủng hoảng. Theo chuyên gia kinh tế, phó giáo sư Đinh Trọng Thịnh, mua nhà trả góp là giải pháp gần như bắt buộc với người lao động muốn sở hữu nhà thành phố. Họ thường trẻ, thu nhập không quá cao, trong khi đây là một khoản chi rất lớn.
Anh Nguyễn Văn Tiệp, giám đốc một công ty bất động sản ở Hà Nội, cho biết thời gian qua, trong khi thị trường giao dịch sơ cấp (chủ đầu tư bán ra) gần như ngủ đông, thị trường chuyển nhượng khá sôi động. Một trong các nguyên nhân là do nhiều người bị "mất cân đối dòng tiền", buộc phải bán nhà.
"Phải bán nhà để mua căn bé hơn hoặc quay lại ở trọ là nỗi đau của những người mua nhà trả góp", anh Tiệp nói.
Hiện tại lãi suất cho vay đã giảm nhẹ. Đáng chú ý từ 1/9, nhiều ngân hàng cho phép các hộ gia đình được vay vốn để trả nợ cho ngân hàng khác. "Ngay bây giờ, nếu khó khăn, các gia đình hoàn toàn có thể vay khoản khác có lãi suất thấp hơn để trả các khoản có lãi cao", phó giáo sư Đinh Trọng Thịnh nói.
Chuyên gia cũng khuyên người mua nhà trả góp vay mượn được người thân là giải pháp tốt nhất. Trong trường hợp vay ngân hàng, buộc phải tính toán kỹ vì hầu hết các dự án đều có lãi suất ưu đãi trong giai đoạn đầu nhằm bán được nhà. Hết giai đoạn này lãi suất sẽ được "thả nổi" tùy theo biên độ và quy định của từng ngân hàng. Vì không lường hết điều này nên không ít người lao đao thời gian qua.
Đồng ý nhận định này, chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản TP HCM (HREC) Nguyễn Quốc Bảo khuyên thêm nếu là người lao động làm công ăn lương mua nhà trả góp trong thời điểm này tốt nhất nên mua nhà ở xã hội gần nơi làm việc để được chính sách ưu đãi giá và lãi suất tốt. Nếu vài năm nữa mới có suất mua, hãy cứ để dành tiền gửi tiết kiệm ngân hàng hoặc các quỹ đầu tư uy tín.
"Thuê nhà gần chỗ làm vẫn hiệu quả hơn mua, bởi hiện nay mức thuê khoảng 0,5% giá trị căn nhà mỗi tháng", ông Bảo nói. Trong thời gian đó, người lao động nên tiếp tục tiết kiệm để mua tiền ở vùng ven hoặc ngoại ô sẽ hiệu quả hơn do bất động sản luôn tăng trưởng theo thời gian, mà không bị gánh nặng trả lãi suất và tiền nợ gốc hàng tháng.
Mặc dù biết những chính sách mới, nhưng khuya một ngày đầu tháng 9, Hà Phương quyết định đăng tin bán nhà lên trang cá nhân. "Những ngày qua cũng có người hỏi, nhưng có lẽ đang trong tháng 7 âm lịch nên vẫn chưa bán được", Phương nói.
Cả một năm gồng gánh cố giữ nhà, nhưng vài tháng trước, con Phương được chẩn đoán tự kỷ. Cú sốc khiến cặp vợ chồng trẻ nhận ra nhà cửa lúc nào có cũng được, không có cũng không sao, quan trọng nhất là chạy chữa cho con. Hiện tại chi phí đi học hàng tháng của cậu bé tốn ít nhất 15 triệu đồng.
Mùa hè vừa rồi, mẹ anh Trung ra thành phố chơi, chứng kiến nàng dâu một mình chăm con, khuya còn thức làm việc, chạy vạy trả nợ trong khi chồng ở xa, bà về thuyết phục ông bán đi mảnh đất trước nhà. Đó vốn là niềm tự hào của ông bà vì sau nhiều năm nuôi các con ăn học tích cóp mua được vì sẽ đưa nhà mình từ ngõ ra mặt đường.
"Mình cứ nghĩ ngày xưa vợ chồng tay trắng với đàn con nheo nhóc, chỉ ước được ai giúp đỡ bớt khó khăn thì giờ con mình cũng vậy thôi", bà nói.
Ông suy nghĩ suốt mấy đêm, cuối cùng thuận theo vợ con.
Trang Nhung sưu tầm.