Vụ cháy chung cư mini ở Thanh Xuân từ góc nhìn chính sách

Vụ cháy chung cư mini ở Khương Đình với những báo cáo thiệt hại ban đầu về người và của tiếp tục gióng lên hồi chuông báo động về loại hình chung cư này.

Tháng 9 19, 2023 - 22:41
Tháng 9 26, 2023 - 21:09
 0  10
Vụ cháy chung cư mini ở Thanh Xuân từ góc nhìn chính sách

Hình ảnh lò vi sóng, bình ga, nồi niêu xoong chảo bên trong căn hộ bị cháy

Trong một con ngõ nhỏ xe ô tô không vào được nhưng lại xây một tòa nhà chung cư mini cao đến 10 tầng theo dạng nhà ống với một mặt ngõ, ba mặt giáp nhà dân, mặt sàn chỉ 200m2, tổng diện tích sàn 2000m2, có tới 45 hộ dân với khoảng 150 người sinh sống. Những hình ảnh từ hiện trường cho thấy loại hình nhà ở này quá nguy hiểm.

Do con ngõ quá nhỏ, hàng chục xe chữa cháy không thể tiếp cận được tòa nhà, cảnh sát phải sử dụng xe chuyên dụng, kéo ống chữa cháy vào bên trong để chữa cháy.

Tính mạng của người dân là rất mong manh do loại hình “chung cư mini” hay “nhà hộp diêm” này được xây dựng tự phát trên quy mô lớn, không phải dự án đầu tư nên không được thẩm duyệt, nghiệm thu, kiểm tra thường xuyên về an toàn, chất lượng công trình, phòng cháy chữa cháy (PCCC).

Hoạt động quản lý, kiểm tra của cơ quan chức năng cũng khó khăn hơn do chung cư mini không phải sản phẩm của dự án đầu tư.

Chung cư mini đã tồn tại từ lâu do nhu cầu lớn của người dân gắn liền với quá trình đô thị hóa, gia tăng dân số cơ học. Từ hơn 10 năm trước, Nghị định số 71/2010/NĐ-CP quy định chi tiết Luật nhà ở năm 2005 đã tạo khung pháp lý ban đầu cho việc hợp pháp hóa chung cư mini. Luật Nhà ở năm 2014 tiếp tục kế thừa và quy định về chung cư mini (Điều 46).

Loại hình “nhà hộp diêm” này cực kỳ “hot” tại các đô thị lớn vì diện tích vừa phải, giá bán phù hợp túi tiền của các hộ gia đình trẻ, người lao động, sinh viên... và có vị trí tiện lợi cho sinh hoạt, học tập, làm việc, cho con học... nhưng lại là một “vấn nạn” của các đô thị do khó khăn trong quản lý và gây quá tải hạ tầng đô thị.

Tuy nhiên, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đang trình Quốc hội xem xét, dự kiến thông qua vào tháng 11/2023 lại đề xuất hợp pháp hóa loại hình này dưới cái tên là “nhà ở nhiều tầng nhiều hộ ở của hộ gia đình, cá nhân”.

Theo đó, nếu một hộ gia đình, cá nhân có thửa đất ở diện tích chỉ vài trăm mét vuông thì có thể xây dựng chung cư mini để bán, thủ tục chỉ đơn giản là xin cấp giấy phép xây dựng theo trình tự cấp phép xây dựng nhà ở riêng lẻ thông thường.

“Chủ đầu tư” trường hợp này là các hộ gia đình, cá nhân, không cần phải thành lập doanh nghiệp có chức năng kinh doanh bất động sản, không cần lập dự án đầu tư để thực hiện thủ tục đầu tư theo Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản.

Khung khổ pháp luật bao gồm các thủ tục như chấp thuận chủ trương đầu tư, giao đất/cho thuê đất, định giá đất và thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất, thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi/thiết kế cơ sở, thẩm duyệt PCCC, cấp giấy phép xây dựng, nghiệm thu PCCC, nghiệm thu công trình đủ điều kiện đưa vào vận hành....

Hơn nữa, một dự án phát triển nhà chung cư thông thường sẽ mất tối thiểu 2 năm để hoàn thiện thủ tục pháp lý trước khi khởi công thì với chung cư mini dưới dạng nhà ở riêng lẻ có thể chỉ cần 1-2 tháng, tùy thuộc vào mức độ “thân thiết” của chủ nhà với cơ quan cấp phép xây dựng là UBND cấp quận.


Điều đáng ở chỗ Điều 57 dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi bản mới nhất (cuối tháng 8/2023) lại cho phép “chủ đầu tư” được lựa chọn cấp “sổ hồng” riêng đối với từng căn hộ, cho phép loại hình chung cư mini được luật hóa không khác gì căn hộ chung cư thông thường. Một hộ gia đình trẻ với 700-800 triệu đồng cũng có thể mua một căn hộ chung cư mini diện tích 30m2 và được cấp “sổ hồng” giống hệt như mua căn hộ trong dự án.

Chính sách này, nếu được luật hóa, sẽ dẫn đến tình trạng chung cư mini “đã hot ngày càng hot hơn”, người dân sẽ càng đổ xô mua chung cư mini, sẽ hình thành làn sóng đi lùng mua các lô đất ở kề cận để hợp thửa, xây chung cư mini bán tràn lan thay vì khuyến khích phát triển nhà ở theo dự án, đảm bảo kết nối hạ tầng đồng bộ.

Ngoài vấn đề an toàn, PCCC thì việc giải quyết hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội bao gồm trường học, y tế, sân chơi, thể dục thể thao, cây xanh, dịch vụ, ... cho các hộ gia đình mua chung cư mini sẽ chồng chất thêm cho chính quyền các đô thị Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng...

Trong khi đó, tại Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2161/QĐ-TTg ngày 22/12/2021 lại khuyến khích phát triển nhà ở theo dự án, đồng bộ, hiện đại, thân thiện với môi trường, phát thải thấp, nâng cao chất lượng nhà ở, đảm bảo kết nối và đồng bộ hệ thống hạ tầng; hạn chế xây dựng nhà ở tự phát của hộ gia đình, cá nhân.

Từ những căn cứ pháp lý nêu trên và thực tiễn là hậu quả của vụ cháy chung cư mini tại Hà Nội, rất cần cân nhắc việc luật hóa chung cư mini, “nhà hộp diêm”. Trái lại cần có biện pháp kiểm soát chặt chẽ, đặc biệt là không công nhận giao dịch mua bán căn hộ chung cư mini, kiên quyết không cấp “sổ hồng” riêng đối với từng căn hộ chung cư mini để không làm bùng phát loại hình này, tránh nguy cơ mất an toàn và quá tải hệ thống hạ tầng đô thị.

Nếu hộ gia đình, cá nhân có quyền sử dụng đất ở, muốn xây chung cư thì phải thành lập doanh nghiệp/hợp tác xã và lập dự án đầu tư để thực hiện thủ tục đầu tư tương tự với các dự án nhà ở chung cư thông thường theo Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Phòng cháy, chữa cháy, Luật Bảo vệ môi trường và pháp luật khác có liên quan.

Và một điểm cực kỳ quan trọng là Nhà nước cần thúc đẩy chương trình nhà ở xã hội, cấp phép cho các dự án bất động sản nhà ở để tạo nguồn cung cho thị trường, cải thiện đời sống của người dân trong quá trình đô thị hóa.

Theo báo việtnamnet