Xây dựng cầu Đuống mới
Phối cảnh phương án đạt giải nhất cầu đường bộ Đuống mới. Ảnh: Bộ GTVT
Bộ Giao thông Vận tải khởi công hai cầu đường sắt và cầu đường bộ qua sông Đuống, thay thế cho cầu Đuống cũ khai thác chung đường sắt và đường bộ.
Lễ khởi công tổ chức sáng 22/7. Dự án nâng cấp tuyến vận tải thủy sông Đuống này có vị trí tại phường Thượng Thanh, Đức Giang, quận Long Biên và thị trấn Yên Viên, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội. Tổng vốn đầu tư là 1.848 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng giai đoạn 1 là 650 tỷ đồng.
Cầu đường sắt và đường dẫn dài 1 km có điểm đầu tại Km9+075, điểm cuối tại Km10+075 theo lý trình đường sắt hiện hữu, cách cầu Đuống cũ về phía thượng lưu khoảng 16,5 m, trùng vị trí đầu tư xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1.
Cầu đường sắt có 6 nhịp dầm thép và dàn thép dài 280 m, được xây dựng đảm bảo cho đường sắt khổ lồng 1.000 mm và 1.435 mm; tốc độ thiết kế 80 km/h. Khổ giới hạn thông thuyền được phân kỳ đầu tư với tĩnh không thông thuyền 7m, giai đoạn hoàn thiện 9,5m.
Cầu có hành lang cho người đi bộ bên phải tuyến. Đường dẫn cầu dài 720 m là đường sắt đơn khổ lồng 1.000 mm và 1.435 mm; tốc độ thiết kế 80 km/h.
Cầu đường bộ và đường dẫn có điểm đầu tại nút giao cầu Đuống cũ trên đường Ngô Gia Tự, thuộc quận Long Biên; điểm cuối tại nút giao giữa đường Hà Huy Tập với đường Phan Đăng Lưu, huyện Gia Lâm, cách cầu Đuống cũ khoảng 100 m về phía hạ lưu.
Trong đó, cầu đường bộ dài 382 m, kết hợp dây văng, rộng 18,5 m, tĩnh không dưới cầu 4,75 m. Đường dẫn dài 318 m, vận tốc thiết kế 80 km/h, 6 làn xe cơ giới, 2 làn xe hỗn hợp, giai đoạn phân kỳ trước mắt quy mô 4 làn xe cơ giới.
Tại lễ khởi công, Thứ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Danh Huy nói cầu đường sắt cũ có tĩnh không thấp, là điểm nghẽn trên tuyến vận tải thủy từ Hải Phòng đến Việt Trì. Cầu đường sắt chung đường bộ tiềm ẩn ùn tắc, tai nạn giao thông.
Cầu đường sắt Đuống khi hoàn thành sẽ tăng năng lực vận tải đường thủy trên hành lang đường thủy số 1, đảm bảo an toàn cho các phương tiện đường thủy và giúp đường sắt thông suốt. Tách cầu đường bộ ra khỏi cầu đường sắt cũng cải thiện điều kiện giao thông kết nối qua sông Đuống trên tuyến giao thông huyết mạch phía bắc Hà Nội.
Cầu Đuống hiện nay là cây cầu kết hợp đường bộ và đường sắt bắc qua sông Đuống, trên quốc lộ 1A cũ, nối phường Đức Giang thuộc quận Long Biên với thị trấn Yên Viên, thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội.
Cầu này được người Pháp xây vào cuối thế kỷ 19, thông xe vào năm 1902. Cầu lúc đó có 5 nhịp, 2 mố và 5 trụ. Trụ chính đỡ nhịp giữa cầu có thể xoay được, giúp tàu bè qua lại. Trong chiến tranh, cầu đã hư hỏng nặng, chỉ còn lại những mố cầu ở hai đầu. Sau đó, cầu được xây lại ở vị trí cũ và thông xe vào năm 1981, không còn các trụ số 2, 4, chỉ còn 3 trụ để tạo thuận lợi cho tàu bè qua lại.
Hạn chế của tuyến đường thủy này là cầu Đuống có tĩnh không 2,8 m; bề rộng khoang thông thuyền nhịp giữa 26 m. Do vậy, chỉ tàu trọng tải đến 600 tấn, sà lan chở container sức chở 24 Teu mới lưu thông được qua cầu khi nước xuống.
Theo báo vnexpress