Cuộc đua khốc liệt của các hãng xe công nghệ

Tháng 10 4, 2022 - 23:14
Tháng 5 15, 2024 - 09:26
 0  14
Cuộc đua khốc liệt của các hãng xe công nghệ

Sau khi Uber đổi cổ phần, Grab gần như “một mình một chợ”. Tuy nhiên, không lâu sau, hàng loạt ứng dụng gọi xe liên tục ra mắt tại Việt Nam như Fastgo, ABer, Vato, Be, Go-Jek (Go-Việt)…,đã tạo nên một thị trường xe công nghệ đầy sôi động, cạnh tranh khốc liệt.

Sự cạnh tranh sôi động

Hiện nay, trên thị trường đang có rất nhiều phần mềm gọi xe công nghệ như Aber, VATO, Mai Linh Bike, MLV, Go-ixe, Xelo, Go - Viet... đang dần chiếm khoảng trống Uber để lại nhằm cạnh tranh với Grab.

Báo cáo của Google và Temasek, quy mô thị trường ứng dụng gọi xe Việt Nam khoảng 500 triệu USD với tốc độ tăng bình quân hơn 40% mỗi năm. Đến năm 2025, dự báo thị trường này sẽ đạt ngưỡng 2 tỷ USD với tốc độ tăng 29%/năm.

Ứng dụng đặt xe ôm qua điện thoại GrabBike chính thức có mặt tại Việt Nam từ tháng 2/2016. Khu vực hoạt động của các tài xế GrabBike trải rộng ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Khánh Hòa, Hải Phòng…

Cuối năm 2017, Mai Linh thành lập Trung tâm xe công nghệ, thu hút các tài xế. Sau thời gian tham gia thử nghiệm thị trường xe công nghệ, dịch vụ đặt xe ôm công nghệ này đồng loạt ra mắt tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP. HCM. Mục tiêu của Mai Linh là 1 triệu xe ôm công nghệ vào năm 2020.

Sau sự rút lui của Uber tại thị trường Việt Nam vào tháng 3/2018, ngay lập tức, Tập đoàn Phương Trang cũng đầu tư 2.200 tỷ đồng vào ứng dụng Vivu để phát triển dịch vụ gọi xe công nghệ và đổi tên thành Vato, cạnh tranh trực tiếp với Grab. Tuy nhiên, đến nay, hoạt động của ứng dụng này vẫn không được như mong muốn của tài xế và khách hàng, vì thường xuyên gặp lỗi, khó gọi xe.

Cuộc đua của những ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực vận chuyển, không thể thiếu thương hiệu Aber, do nhóm kỹ sư người Việt du học tại châu Âu phát triển đã chính thức ra mắt. Điểm mới của hãng này chính là không thu chiết khấu của tài xế, tung ra 6 sản phẩm dịch vụ như xe máy, ôtô, giao hàng, xe doanh nghiệp... Thế nhưng, chỉ ít tháng sau, ứng dụng này phải thông báo ngừng hoạt động.

Cuộc chiến thị trường xe công nghệ đang ... gay cấn

Theo dòng thị trường, ứng dụng gọi xe ô tô FastGo cũng đã chính thức ra mắt tại Hà Nội hồi đầu tháng 6, đặt mục tiêu cạnh tranh trực diện với Grab với 20.000 tài xế trong 2 năm tới, mở rộng ra 8 thành phố. Tuyên bố không thu chiết khấu, không tăng giá, FastGo được nhiều tài xế đánh giá cao. Dù vậy, lượng khách hàng biết đến FastGo lại chưa nhiều. Thêm đó, ứng dụng này cung cấp chủ yếu các dịch vụ gọi xe thuần túy, chưa có dịch vụ khác như giao hàng hay giao đồ ăn.

Chiều 12/9, Công ty Thương mại công nghệ Go-Viet (trụ sở tại TP. HCM) đã chính thức ra mắt ứng dụng đa dịch vụ với tên gọi Go-Viet tại thị trường Hà Nội. Đây là đối thủ lớn của Grab tại Đông Nam Á, nhưng Go-Viet gần đây khá im hơi lặng tiếng. Tuyên bố sẽ là ứng dụng đa dịch vụ, gắn liền với đời sống người Việt, nhưng Go-Viet giậm chân tại chỗ gần nửa năm nay với 3 dịch vụ là gọi xe 2 bánh, gọi thức ăn và giao hàng.

Giữa tháng 12/2018, thị trường ứng dụng gọi xe công nghệ chào đón tân binh “Be” của Công ty CP BE Group - một công ty công nghệ trong nước. “Be” tuyên bố đi một con đường khác ngay từ khi ra mắt, định vị mình là một công ty kinh doanh lĩnh vực vận tải, đồng thời thu chiết khấu tới 25%, ngang với chiết khấu của Grab.

Có thể thấy, sau 1 năm hoạt động, các ứng dụng gọi xe này dần mất hút trong bản đồ gọi xe công nghệ ở Việt Nam. Điều này chứng tỏ, thị trường gọi xe công nghệ không hề “dễ ăn”, nếu các doanh nghiệp không có chiến lược, tài chính “dài hơi” cho cuộc đua này.

Mới đây, ứng dụng mang tên MyGo thuộc Tập đoàn Viettel, đã được triển khai vào ngày 1/7. Dịch vụ này được triển khai trên khắp 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam.

Theo Phó vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ Giao thông Vận tải)Nguyễn Xuân Thủy, nhà cung cấp nào mang đến dịch vụ tốt nhất, phù hợp nhất với sở thích của người dân, sẽ được ưa chuộng.

Những cuộc đua “đốt tiền”…?

Sự xuất hiện của những tên tuổi mới - đã tạo nên một cuộc thương chiến giữa các ứng dụng gọi xe công nghệ về giá cước cho người dùng, cũng như mức chiết khấu đối với tài xế.

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, Nguyễn Văn Thanh cho rằng, thị trường xe công nghệ tiếp tục hấp dẫn cho cả khách hàng và tài xế, nhưng sẽ cạnh tranh rất khốc liệt. Trong khi các hãng thuần Việt phải lựa chọn thị trường ngách và “biết mình biết ta”, thì các hãng ngoại lại sử dụng lợi thế vốn, kinh nghiệm, công nghệ để chiếm thị phần.

Ngay sau khi gia nhập thị trường xe công nghệ tại Việt Nam, để chứng minh tiềm lực tài chính không thua kém bất kỳ đối thủ nào, Go-Viet đã sử dụng triệt để công thức giá rẻ như “cho không”.

Cụ thể, hãng xe công nghệ này tung ra một chương trình khuyến mãi vô cùng hấp dẫn dành cho người dùng tại Hà Nội với giá cước chỉ 1.000 đồng/cuốc xe, áp dụng cho các cuốc xe Go-Bike dưới 6 km. Đây là mức giá cước khuyến mại thấp hơn mức 5.000 đồng/cuốc xe mà Grab đang áp dụng tại cùng thời điểm tại Hà Nội; Go-Viet đã liên tiếp triển khai các chương trình khuyến mãi đồng giá 5.000 đồng hay 9.000 đồng cho một chuyến xe ôm dưới 8 km.

Trong khi đó, FastGo cũng tung ra cả chục nghìn suất 0 đồng cùng với tặng mã khuyến mãi, tặng tiền cho khách hàng. Áp dụng chương trình khuyến mại lớn như tặng gói trợ giá từ 10.000 - 20.000 đồng/cuốc xe và tuyên bố không tăng giá vào giờ cao điểm.

Ngoài ra, cả Go-Viet và FastGo còn áp dụng chế độ thưởng khá hậu hĩnh cho các tài xế chạy nhiều cuốc/ngày, giúp các tài xế có thu nhập 500.000 - 700.000 đồng, thậm chí, hơn 1 triệu đồng mỗi ngày.

Đơn cử FastGo, tài xế chạy từ 5 - 20 cuốc/ngày sẽ được thưởng từ 50.000 - 400.000 đồng. Cùng với chính sách không thu chiết khấu %, tài xế FastBike chạy 20 chuyến/ngày có tổng thu nhập có thể lên đến gần 2 triệu đồng/ngày. Còn Go-Viet đưa ra chính sách thưởng 220.000 đồng/ngày cho những tài xế thực hiện được 13 cuốc xe/ngày.

Sau khi Uber rời bỏ thị trường Việt Nam bằng việc đổi cổ phần, Grab gần như “một mình một chợ”. Thế nhưng, trước áp lực cạnh tranh, Grab cũng đang có những động thái để giữ chân cả tài xế và khách hàng, hướng đến các nền tảng dịch vụ đa dạng hơn, tung ra nhiều chương trình khuyến mại và thưởng chuyến. Chẳng hạn như chương trình đồng giá cước 5.000 đồng/chuyến đi dưới 8km (áp dụng cho dịch vụ GrabBike); chương trình hỗ trợ đối tác với mức thưởng lên đến 300.000 đồng/ngày nếu tài xế chạy 18 cuốc/ngày. Cùng với đó, Grab tung ra chương trình ưu đãi 25.000 đồng/4 chuyến đi.

Grab áp dụng mọi chiêu thức khuyến mãi hấp dẫn, nhưng chỉ dành cho Grab bike (thị phần mà Go-Viet đang triển khai) và nếu tài xế chạy 10 chuyến trong tuần, sẽ được nhận thêm 5% doanh thu. Nghĩa là, tài xế đang chịu mức chiết khấu 28,6% thì nay, sẽ chỉ còn 23,6%. Nhưng nếu chạy lên tới 30 cuốc/tuần, sẽ được hưởng thêm mức chiết khấu là 8%, nghĩa là từ 28,6% xuống còn 20,6%. Đặc biệt, chạy 60 chuyến/tuần, mức chiết khấu sẽ là 18,6%.

Mai Linh Bike, dù có giá cước hấp dẫn, không tăng giá vào giờ cao điểm, nhưng hãng này lại gần như không có khuyến mại hấp dẫn khách hàng, ứng dụng chậm, số lượng lái xe hạn chế khiến nhiều khách hàng thất vọng về sự trải nghiệm.

“Sinh sau đẻ muộn” nên “Be” của BE Group lấy tài xế đối tác làm gốc. Hãng này đã xây dựng chương trình bảo hiểm tai nạn giao thông toàn diện 24/7 (chi phí y tế do tai nạn, trợ cấp thu nhập khi điều trị) cho toàn bộ tài xế khi tham gia “Be”. Chương trình bảo hiểm được áp dụng ngay từ lúc tài xế đăng ký trở thành đối tác của “Be”, khi các tài xế kết nối mạng bật ứng dụng “Be”, nhưng đang không thực hiện cuốc xe và trong quá trình thực hiện cuốc xe. Đồng thời, “Be” cũng phối hợp với các ngân hàng phát triển các gói tín dụng cá nhân để hỗ trợ tài xế.

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải TP. Hà Nội, Bùi Danh Liên đánh giá, các ứng dụng Việt vẫn còn yếu, cả về công nghệ và nguồn lực. Nếu muốn lấy thị phần, trước hết phải có một phần mềm thông minh, nhanh nhạy. Ngoài ra, cần phải có một nguồn lực tài chính dồi dào, chiến lược thông minh để lôi kéo khách hàng, tài xế...

Theo thuonghieucongluan.