Điểm chuẩn ngành sư phạm lịch sử thuộc tốp đầu
Với mức điểm chuẩn từ 25,75 - 28,45, năm nay ngành sư phạm (SP) lịch sử dẫn đầu ở hầu hết các trường đào tạo khối ngành đào tạo giáo viên.
Tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, năm nay, ngành SP lịch sử tiếp tục có điểm chuẩn cao nhất khi "cán" mốc mới là 28,45, vượt qua 27,83 của SP ngữ văn.
Tương tự, tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2, năm 2023 ngành này tiếp tục "hot" nhất trường với 28,58 điểm, trong khi SP ngữ văn 27,47 điểm.
Điểm chuẩn SP lịch sử trong 2 năm 2021 và 2022 chỉ đứng vị trí số 4 ở Trường ĐH Sư phạm TP.HCM sau ngữ văn, tiếng Anh và toán nhưng năm nay đã nhảy lên vị trí số 2 với mức điểm 26,85.
Tình hình tương tự với Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế, ĐH Đà Nẵng, ĐH Thái Nguyên), Trường ĐH Giáo dục, Trường ĐH Quy Nhơn…
Lý giải về việc ngành SP lịch sử mấy năm trở lại đây trở nên "hot" khi điểm chuẩn tăng cao, thạc sĩ Lê Phan Quốc, Phó phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho hay: "Từ một môn học lựa chọn thuộc nhóm môn khoa học xã hội, tháng 8.2022 Bộ GD-ĐT đã điều chỉnh môn lịch sử trở thành môn học bắt buộc ở bậc THPT. Đầu năm nay, Bộ GD-ĐT cũng công bố dự thảo phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2025 quy định có 4 môn thi bắt buộc, trong đó có môn lịch sử. Những thông tin này đã tác động đến thí sinh và môn lịch sử được quan tâm, chú ý nhiều hơn".
Theo thạc sĩ Quốc, nguyên nhân thứ hai là chỉ tiêu của ngành SP lịch sử trong mấy năm gần đây rất thấp do nhu cầu giáo viên môn này ở các địa phương không nhiều. Chẳng hạn năm 2023 Trường ĐH Sư phạm TP.HCM chỉ được giao 37 chỉ tiêu, giảm 20 chỉ tiêu so với năm trước trong khi các ngành SP khác như lịch sử địa lý, công nghệ, khoa học tự nhiên chỉ tiêu khoảng 200 mỗi ngành. "Chỉ tiêu ít, số lượng thí sinh xét tuyển năm nay lại tăng 40% nên điểm chuẩn cũng vì thế nằm trong tốp", thạc sĩ Lê Phan Quốc nhận định.
Tiến sĩ Trần Hữu Duy, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Đà Lạt, cho biết: "Mấy năm trước số lượng thí sinh đăng ký rất ít, năm nay bỗng tăng mạnh, trong khi chỉ tiêu chỉ có 20 nên tỷ lệ chọi cao, điểm chuẩn dẫn đầu trường. Điều này cho thấy một tín hiệu rất tốt khi phụ huynh và thí sinh đã quan tâm nhiều hơn tới môn sử".
Ở một góc độ khác, PGS-TS Hà Minh Hồng, Khoa Lịch sử Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), nhận định: "Điểm chuẩn cao không phải do đề dễ, cũng không chỉ vì tỷ lệ chọi cao, mà quan trọng là môn học xã hội nói chung và lịch sử nói riêng ngày nay đang dần được thay đổi cách dạy, cách học, cách thi. Các em không chỉ thấy yêu thích hơn mà còn nắm được phương pháp học, thi hiệu quả nên có rất nhiều điểm 9, 10".
"Đây là một sự chuyển biến đáng mừng. Nếu trường phổ thông thay đổi toàn diện cách dạy, cách học thì môn sử và các môn xã hội khác còn khả quan hơn nữa", PGS-TS Hà Minh Hồng nhìn nhận.
Nguồn st