Đồng phục xe ôm công nghệ tràn lan thị trường
Bị hét giá; trấn lột, cướp tài sản; thậm chí là cưỡng bức, nguy hiểm đến tính mạng... là những mối lo hoàn toàn có thể xảy ra nếu gặp phải những đối tượng giả danh lái xe ôm công nghệ…
Dễ mua, mua cho tiện…
Một bộ đồng phục của lái xe ôm công nghệ không quá khó để mua, đi dọc những kiot ở trên đường Lê Duẩn (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), đoạn từ giáp phố Khâm Thiên đến gần ga Hà Nội. Chỉ từ 70 nghìn đồng tùy loại là có thể mua một bộ đồng phục chuyên dụng - vốn được hãng cấp phát cho lái xe đăng ký và được kiểm soát chặt chẽ. Gần như trên thị trường có hãng xe ôm công nghệ nào hoạt động thì ở đây sẽ đều có đồng phục “của” hãng đó.
Cô Nguyễn Lan Anh, một tiểu thương trên đường Lê Duẩn cho biết: “Ở đây làm gì có hàng chính hãng, từ các xưởng họ may làm giống thôi. Muốn mua bao nhiêu cũng có, đắt rẻ tùy loại. Một bộ gồm mũ bảo hiểm, áo khoác, áo cộc tay, áo dài tay thì khoảng 450 nghìn đồng. Nhưng thường người ta chỉ mua áo khoác là nhiều, khoác mùa hè hay mùa đông đều mặc được”.
Không chỉ được bày bán công khai tại các kiot, đồng phục xe ôm công nghệ cũng được bày bán tràn lan trên các sàn thương mại điện tử. Khách hàng chỉ việc gõ từ khóa “mua áo xe ôm công nghệ”, Google sẽ cho ra hàng triệu kết quả trên các sàn, các trang web đồng phục với mức giá khác nhau. Nhưng một điều chắc chắn rằng, các bộ đồng phục đó không phải hàng chuẩn do bên hãng cung cấp cho lái xe.
Bác Nguyễn Thành Đạt (55 tuổi), một lái xe ôm truyền thống cho biết: “Xe truyền thống mặc áo công nghệ là chuyện quá bình thường, chủ yếu để khách họ biết mình chạy xe để mà gọi nếu có nhu cầu. Hầu hết mọi người đều mua, vì không đăng ký trên hãng thì làm gì được phát đâu, nên mua bên ngoài cho nhanh”.
Trước sự bùng nổ bởi nhu cầu lớn, số lượng lái xe ngày càng gia tăng. Dễ dàng bắt gặp những lái xe dịch vụ trên các con đường lớn nhỏ nhưng để xác định đó là lái xe của hãng, được kiểm soát trên hệ thống của hãng hay là những người giả danh, quả không dễ dàng. Anh Nguyễn Đức Thiện (Hà Nội) chia sẻ: “Giờ xe ôm công nghệ quá nhiều, nên cũng không để ý nữa, trước thấy người lạ vào ngõ thì còn nhìn, chứ giờ người ta cứ mặc áo rồi bảo giao hàng, đón khách, mình không phải người đặt cũng chẳng biết được”.
Nhiều nguy cơ và sự phạm pháp
Chính từ việc người dân đã quá quen với các mầu áo đồng phục này nên đã nảy sinh tâm lý không đề phòng, nhiều đối tượng có cơ hội thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật. Những lái xe thường đã được xác minh danh tính và kiểm soát từ hệ thống điều hành nhưng những người “đội lốt” thì không. Nơi dễ dàng bắt gặp các đối tượng giả danh này nhất là bến xe khách, điểm chờ xe bus, ga tàu điện… Không phân biệt được lái xe thật và giả, người đặt xe có thể bị chèn ép giá mà không thể khiếu nại, thậm chí gặp những vấn đề nghiêm trọng hơn trong quá trình di chuyển như đến không đúng nơi, bị trấn lột…
Kể về một sự việc nhớ đời, bạn Nguyễn Nhật Anh (23 tuổi) chia sẻ, hồi năm nhất mới lên đại học, em cũng đặt một chuyến từ Đống Đa sang Cầu Diễn. Lúc đang đợi lái xe thì có một người mặc áo Grab đến và em cũng vội lên xe mà không kiểm tra. Lúc đến nơi họ đòi 100 nghìn đồng trong khi giá trên ứng dụng chỉ là 45 nghìn đồng thì em mới phát hiện ra. Sau đó lái xe còn to tiếng và chỉ rời đi sau khi nhận đúng 100 nghìn đồng.
Bên cạnh đó, lợi dụng việc di chuyển mà không bị để ý, nhiều đối tượng xấu đã cải trang để tiện thực hiện những hành vi phạm pháp. Đã có không ít vụ trộm cắp tài sản xảy ra mà hung thủ là những người lợi dụng quần áo tài xế công nghệ để dễ bề hành động. Ngày 22/7, cơ quan công an quận Cẩm Lệ đã khởi tố, bắt tạm giam Trần Phạm Phước Thành (sinh năm 1995, tạm trú tại Đà Nẵng) về hành vi trộm cắp tài sản có tổng giá trị hơn 125 triệu đồng. Thành đã sử dụng quần áo xe ôm hãng Grab để trà trộn, thăm dò địa bàn nhiều lần mà không bị nghi ngờ, rồi đột nhập nhà dân để trộm cắp tài sản nhiều lần…
Những vụ việc như thế là lời cảnh báo tới người dân cũng như cơ quan chức năng. Cần có những biện pháp quản lý phù hợp để không có thêm những trường hợp đáng tiếc nào xảy ra.
Nguồn: Nhân dân.