Ngày càng có nhiều lao động trình độ cao chạy xe ôm công nghệ
Theo một báo cáo mới công bố, có 36,6% người giao hàng công nghệ có trình độ cao, con số này ở nhóm lái xe công nghệ, giúp việc gia đình lần lượt là 20,65% và 11,36%. Đặc biệt có đến 82,22% coi đây là công việc chính của họ.
Sau khi thấy bạn học cùng anh đi chạy xe công nghệ có mức thu nhập cao hơn, anh đã quyết định chuyển nghề. Hiện mỗi ngày chăm chỉ chở khách anh Hùng chạy trung bình khoảng 80km kiếm được 400.000 - 500.000 đồng. Ngoài ra, anh Hùng vẫn linh động nhận việc làm thêm liên quan đến ngành điện mà anh có chuyên môn để gia tăng thu nhập.
Anh Hùng cho rằng nghề nào cũng có sự vất vả, nếu được làm đúng ngành nghề mình học thì rất tốt nhưng với anh Hùng để trang trải cuộc sống thì lại cần nghề nào có thu nhập cao hơn.
Theo nghiên cứu mới đây về một số vấn đề về việc làm trong nền kinh tế việc làm tự do đối với trường hợp lái xe/giao hàng công nghệ và giúp việc gia đình do Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) thực hiện cho biết một nhóm lao động trình độ cao đang tham gia lái xe công nghệ (20,65%), giao hàng công nghệ (36,6%) và giúp việc gia đình (11,36%).
Kết quả khảo sát cũng cho thấy, có đến hơn 94% không/chưa có dự định chuyển việc, chỉ có 5,92% muốn tìm một công việc khác. Có đến 82,22% coi đây là công việc chính của họ.
Lý do được nhóm nghiên cứu chỉ ra là do công việc này có tính linh hoạt, chủ động về thời gian làm việc và thu nhập tốt, ít chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh và người lao động có khả năng chuyển đổi việc làm dễ dàng, có cơ hội tối đa hóa thu nhập và lợi ích khi tham gia nhiều ứng dụng và cùng làm việc cho nhiều đối tác khác nhau. Có 8,52% người lao động thuộc nhóm này đang hợp tác cùng lúc với hai hãng xe công nghệ và làm cùng một nghề.
Thu nhập bình quân tháng của nhóm lao động này khá cao, gấp 1,3 lần so với thu nhập bình quân của nhóm lao động làm công hưởng lương cả nước. Cụ thể, thu nhập bình quân tháng của người lao động là 9,15 triệu đồng/tháng (tại thời điểm trước giãn cách xã hội ở Hà Nội từ tháng 7, trong đó nhóm lái xe công nghệ có thu nhập cao nhất với 10,76 triệu đồng/tháng, hơn 35% lao động ở nhóm này có thu nhập từ 10 triệu đồng trở lên.
Mặc dù vậy, tỷ lệ chiết khấu của các hãng công nghệ khá cao, đối với nhóm lái xe công nghệ, tỷ lệ chiết khẩu bình quân/giao dịch là 24,4% là khá cao, người lao động chỉ nhận lại khoảng 75% thu nhập, song trong 75% thu nhập này có đến 30% chi phí cho phương tiện, khấu hao, số còn lại chi trả cho sức lao động như vậy là khá thấp.
Về phúc lợi, hầu hết người lao động không có hỗ trợ tiền ăn, chế độ nghỉ phép, khám sức khỏe định kỳ, thưởng lễ, Tết... Người lao động chủ yếu nhận 2 chế độ chính là tiền thưởng/hoa hồng - thưởng do làm vượt định mức và tip của khách hàng.
Nhiều khoảng trống trong tiếp cận an sinh đối với tài xế công nghệ
Tuy có thu nhập cao nhưng kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, do đặc thù công việc, nhóm lái xe, giao hàng công nghệ phải đối mặt với nguy cơ rủi ro, cường độ làm việc cao như: Tai nạn lao động, nguy cơ bị lạm dụng/quấy rối, cướp giật… Hầu hết bị kiểm soát về thu nhập, lịch trình làm việc.
Tuy nhiên, hầu hết họ chỉ có giao kết hợp đồng công việc/hợp đồng đối tác mà không có hợp đồng lao động, với 79,26%, chỉ 2% có hợp đồng lao động. Điều này đồng nghĩa với việc người lao động không được đảm bảo quyền lợi lao động và an sinh xã hội khi gặp rủi ro.
Người lao động cũng hạn chế trong tiếp cận an sinh xã hội như các hỗ trợ từ Chính phủ khi gặp rủi ro đột xuất và trong bối cảnh dịch bệnh, chủ yếu dùng tiền tiết kiệm cá nhân.
Tỷ lệ người lao động tham gia bảo hiểm cũng rất thấp, họ mới chỉ quan tâm tới các hình thức bảo hiểm về sức khỏe, ngắn hạn, chưa quan tâm các hình thức bảo hiểm với mục đích bảo vệ thu nhập, đảm bảo quyền lợi hưu trí tử tuất, dù công việc tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro. Trong đó, tham gia bảo hiểm y tế có 51,11%, bảo hiểm xã hội bắt buộc 8,15%, bảo hiểm xã hội tự nguyện 5,56%, bảo hiểm tai nạn lao động 9,26%.
Tỷ lệ lao động được nhận hỗ trợ từ cơ quan nhà nước/chính quyền rất thấp, chỉ 11,65% được hỗ trợ do mất việc làm từ COVID-19, 1,52% được tư vấn và giới thiệu việc làm, dưới 1% nhận được các hỗ trợ khác như đào tạo nghề, vay vốn tạo việc làm, hỗ trợ giải quyết quan hệ lao động...
Từ các kết quả thu nhập được, nhóm nghiên cứu cho rằng, còn khoảng trống pháp lý về an sinh xã hội, an toàn lao động đối với nhóm lao động này dẫn đến tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, người lao động không được bảo vệ khi có tranh chấp.
Vì vậy, nhóm nghiên cứu đề xuất cần hoàn thiện chính sách, luật pháp về nhóm đối tượng này, trong đó cần xác lập mức độ bảo vệ tối thiểu cho người lao động gồm: Nội dung bảo vệ về tiền lương, thu nhập, quyền tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, quyền về thời giờ làm việc, nghỉ ngơi, đảm bảo môi trường, điều kiện làm việc theo Bộ luật Lao động 2019.
Đồng thời, cần tăng cường các quy định về cơ chế giám sát doanh nghiệp nền tảng, từ đó hướng đến chuẩn hoá, hợp pháp, sửa đổi hệ thống an sinh xã hội để duy trì ổn định quan hệ lao động. Cùng với đó, cần đảm bảo công tác thanh tra, kiểm tra và an toàn thông tin của người lao động và người sử dụng lao động trên môi trường mạng.
Đối với nhà cung cấp các nền tảng số, cần nhận thức về trách nhiệm đảm bảo quyền, các chế độ chính sách liên quan đến việc làm (hợp đồng, bảo hiểm, đào tạo nâng cao trình độ, các chế độ phúc lợi...) cho người lao động sử dụng dịch vụ công nghệ của doanh nghiệp.
Đối với người lao động cần nâng cao các kỹ năng làm việc, trình độ, hiểu biết về pháp luật dân sự, pháp luật lao động, nắm được quyền và các chính sách về việc làm của Nhà nước để ứng phó với các rủi ro về việc làm, quan hệ lao động...
Nâng cao nhận thức về việc tiết kiệm cũng như tham gia các hình thức bảo hiểm xã hội để được hưởng các chế độ hưu trí chuẩn bị cho tuổi già.
Nguồn: Sưu tầm