Lao động trình độ cao làm shipper: Không xác định lâu dài
Nguyễn Anh Dũng (bên phải) chọn làm shipper khi đang là sinh viên năm nhất đại học. Ảnh: Lương Hạnh
Theo Báo cáo của Viện Khoa học lao động xã hội, 36,6% người giao hàng công nghệ (shipper) có trình độ cao. Công việc với thu nhập khá, thời gian làm việc không gò bó... là lý do nhiều người lựa chọn gắn bó với công việc này. .
Thu nhập cao, thời gian làm việc thoải mái
Báo cáo của Viện Khoa học lao động xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) thực hiện khảo sát trên 270 người. Báo cáo nêu rõ có 36,6% người giao hàng công nghệ (shipper) ở trình độ cao, con số này ở nhóm lái xe công nghệ, giúp việc gia đình lần lượt là 20,65% và 11,36%.
Nhà cung ứng dịch vụ tài xế công nghệ có chiết khấu cao, chưa ký hợp đồng lao động khiến nhiều tài xế gặp thiệt thòi khi gặp rủi ro tai nạn, lạm dụng, quấy rối, cướp giật...
Là sinh viên năm nhất Trường Đại học Kỹ thuật – Công nghiệp Hà Nội, Nguyễn Anh Dũng (Hà Nam) chọn làm shipper công nghệ để chi trả sinh hoạt phí đắt đỏ ở Thủ đô.
Lịch học ở trường không cố định, ban đầu, Anh Dũng gặp khó khăn khi tìm công việc làm thêm. Thấy nghề giao hàng không bó buộc thời gian, nam sinh quyết định chọn công việc này để kiếm thu nhập bất kể khi nào rảnh rỗi.
“Khi nào trống lịch học làm tôi lại bật app, tìm khách đặt đơn hàng. Mỗi ngày đi làm tôi kiếm được khoảng từ 400.000 – 500.000 đồng. Số tiền này với tôi đủ để chi tiêu ở Hà Nội và tôi có thể tiết kiệm được một ít”, Anh Dũng tâm sự.
4 tháng làm Shipper, Anh Dũng đã có nhiều trải nghiệm hơn trong cuộc sống. Gia đình không quá khó khăn về kinh tế nhưng công việc làm thêm này đã giúp Anh Dũng có thể đỡ đần bố mẹ các khoản chi phí khi học đại học.
Nam sinh dự định chỉ làm công việc này đến hết năm học đầu tiên. Khi sang năm thứ 2, lịch học cố định, Anh Dũng sẽ tìm một công việc liên quan đến chuyên ngành đang học. “Làm nghề này thu nhập cao, thời gian không gò bó nhưng cũng có vất vả riêng, những lúc mưa nắng thất thường, hoặc khách đặt đồ không chịu lấy thì mình cũng đành chấp nhận. Nhưng không ai muốn tốt nghiệp đại học đi giao hàng nên tôi xác định đây chỉ là công việc làm thêm”, Anh Dũng tâm sự.
Là công việc tạm thời
Sau khi ra trường, anh Hà Thành (sinh năm 2000, Lào Cai) xin làm một công việc văn phòng với mức lương khoảng 5 triệu đồng/tháng. Làm công việc này được hơn 1 tháng, anh Thành xin nghỉ việc, quyết định chuyển sang chạy xe ôm công nghệ để trang trải cuộc sống trước khi tìm được công việc mới, phù hợp hơn.
“Công việc ở văn phòng lương thấp, thời gian 8-10 tiếng ở văn phòng và đòi hỏi sự khéo léo khi tư vấn khách hàng. Làm xe ôm công nghệ thoải mái hơn, nếu chạy chăm có thể có mức thu nhập khoảng 8-10 triệu đồng/tháng”, anh Thành tâm sự.
Tuy nhiên, anh Thành cũng sẵn sàng đổi việc nếu có cơ hội bởi với anh, chạy xe ôm không phải là việc làm lâu dài. Tuy nhiên, với mức thu nhập cao, không chỉ với đối tượng vừa tốt nghiệp đại học như anh Thành, nhiều người đành cất tấm bằng đại học, cao đẳng, sẵn sàng chọn công việc này. Nhờ thu nhập bình quân khoảng 300.000 - 400.000 đồng/ngày, nhiều người có thể trang trải chi phí sinh hoạt cần thiết thay vì một công việc ổn định mà lương thấp.
Ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng Ban Chính sách pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - cho biết: "Lao động có trình độ cao làm nghề này đồng nghĩa với việc họ không sử dụng đến chuyên môn mình được đào tạo thì thật sự lãng phí. Ở Việt Nam còn nhiều khoảng trống, theo như chúng tôi nắm bắt được, hầu như tất cả các lái xe công nghệ chưa được thực hiện đầy đủ quyền cũng như được xem như người lao động theo hợp đồng, vì vậy, họ chưa được đảm bảo về bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp...".
Liên quan đến tình trạng nhiều lao động có trình độ cao đi làm shipper, trong kết quả khảo sát, một chi tiết đáng chú ý là có tới 82,2% lao động coi đây là việc làm chính của họ và 94,1% không hoặc chưa có dự định chuyển việc trong khoảng 2 - 5 năm tới.
Nguồn: Sưu tầm.