Giao dịch bất động sản qua ngân hàng sắp hết cửa "vẽ giá" để trốn thuế
Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi có hiệu lực thi hành từ đầu năm 2025 quy định, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản phải giao dịch qua ngân hàng.
Ảnh. Internet
Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025. Trong đó, vấn đề đang được dư luận quan tâm là quy định doanh nghiệp kinh doanh bất động sản phải giao dịch qua ngân hàng.
Cụ thể, Điều 48 luật này quy định, việc thanh toán trong giao dịch bất động sản, dự án bất động sản do các bên thỏa thuận trong hợp đồng và tuân thủ quy định của pháp luật.
Chủ đầu tư dự án, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản nhận tiền thanh toán theo hợp đồng kinh doanh bất động sản từ khách hàng thông qua tài khoản mở tại tổ chức tín dụng trong nước hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.
Chủ đầu tư dự án, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bất động sản nhận tiền thanh toán theo hợp đồng kinh doanh bất động sản, hợp đồng kinh doanh dịch vụ bất động sản từ khách hàng thông qua tài khoản mở tại tổ chức tín dụng trong nước hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.
Đối với trường hợp cá nhân kinh doanh bất động sản quy mô nhỏ, tổ chức, cá nhân bán nhà ở, công trình xây dựng, phần diện tích sàn xây dựng trong công trình xây dựng không nhằm mục đích kinh doanh... thì không quy định bắt buộc thanh toán qua ngân hàng.
Doanh nghiệp kinh doanh bất động sản phải giao dịch qua ngân hàng khi Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi có hiệu lực thi hành vào năm 2025 (Ảnh minh họa: Tiến Tuấn)
Trước đó, tình trạng mua bán bất động sản kê khai trên hợp đồng thấp hơn giá chuyển nhượng thực tế (hai giá) diễn ra phổ biến. Các cơ quan chức năng cũng đã xử lý nhiều trường hợp khai không đúng giá chuyển nhượng bất động sản để trốn thuế, nhưng dường như vẫn không ngăn chặn được tình trạng này triệt để.
Trao đổi với phóng viên Dân trí về thực trạng này, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) - nhận định, việc mua bán có tiền chênh ngoài hợp đồng bằng hình thức kê khai hai giá khi bán hàng là hành vi vi phạm pháp luật về thuế của doanh nghiệp. Tuy nhiên, người mua nhà chấp nhận điều đó để đỡ phải chịu khoản thuế từ số tiền ngoài hợp đồng và như vậy là đã tiếp tay cho chủ đầu tư trốn thuế.
Cũng theo ông Châu, khách hàng chấp nhận dù biết phạm luật, một phần do cơ chế pháp luật chưa thực sự chặt chẽ. Hiện chỉ có một phương pháp tính thuế là đánh thuế thu nhập cá nhân 2% trên giá trị hợp đồng đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản. Khi doanh nghiệp kê giá bán trong hợp đồng thấp hơn giá thực tế sẽ làm cho mức thu của Nhà nước bị giảm xuống.
Ông Châu nhấn mạnh, cả khách hàng và doanh nghiệp đang thấy lợi trước mắt mà không nhìn thấy cái hại lâu dài, bởi thực trạng này góp phần khiến cho thị trường bất động sản thiếu minh bạch.
Một dự án bất động sản tại Hà Nội (Ảnh: Trần Kháng).
Gần đây, để chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh bất động sản, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã ký công văn đề nghị Bộ Công an chỉ đạo công an các địa phương phối hợp các cục thuế xử lý nghiêm giao dịch có dấu hiệu trốn thuế.
Đồng thời, Bộ Tài Chính đề nghị Bộ Tư pháp, UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các Sở Tư pháp phối hợp chặt chẽ với các cục thuế yêu cầu các tổ chức hành nghề công chứng hướng dẫn người dân, chủ đầu tư dự án bất động sản, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản kê khai trên hợp đồng công chứng theo giá thực tế mua bán, làm căn cứ tính thuế theo quy định của pháp luật.