Góc nhìn giáo dục: Ngành khoa học cơ bản chưa đủ sức hút sinh viên
Học gì để khi ra trường có việc làm là câu hỏi của nhiều học sinh trước mùa tuyển sinh. Trong các lĩnh vực đào tạo, ngành khoa học cơ bản đang gặp khó khăn trong việc thu hút học sinh đăng ký thi tuyển.
Theo thống kê từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong mùa tuyển sinh năm 2022, chỉ tiêu đạt được của lĩnh vực khoa học tự nhiên là 59%, khoa học sự sống là 58%. Đây là hai trong 4 lĩnh vực có tỷ lệ đầu vào đại học thấp nhất trong 3 năm liên tiếp. Điều đó ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo cũng như nguồn nhân lực hoạt động trong ngành khoa học cơ bản sau này.
Khoa học cơ bản là những ngành khoa học nghiên cứu, khám phá các quy luật của tự nhiên và tạo ra những kiến thức mới. Một số trường đại học đang đào tạo các ngành khoa học cơ bản gồm: Những ngành truyền thống (toán học, vật lý, hóa học, sinh học), các ngành trong khối khoa học trái đất (địa lý, địa chất, môi trường, khí tượng và khí hậu học, hải dương học). Thế nhưng hiện nay, những học sinh giỏi lại không thích thi vào ngành khoa học cơ bản mà chọn thi vào các khối ngành liên quan đến kinh tế, công nghệ.
Tình trạng mất cân đối giữa ngành khoa học cơ bản với các ngành nghề có tính ứng dụng cao xuất phát từ thực tế nhu cầu của xã hội. Các ngành khoa học cơ bản thiếu hấp dẫn về cơ hội việc làm và phát triển nghề nghiệp. Sinh viên theo học ngành khoa học cơ bản khó xin việc làm đúng với chuyên ngành học ở các doanh nghiệp hoặc công ty tư nhân. Về phía cơ quan nhà nước, chỉ tiêu tuyển dụng ít, khó có thể tiếp nhận hết số sinh viên theo học ngành này khi ra trường. Môi trường làm việc của ngành khoa học cơ bản chủ yếu ở các cơ quan nghiên cứu hoặc trường đại học. Điều kiện làm việc ở đây khá “kén” người, đòi hỏi phải có trình độ cao, đầu tư chất xám lớn mới có thể thực hiện được các công trình nghiên cứu. Trong khi đó, những ngành liên quan đến kinh tế, kỹ thuật, công nghệ thông tin, dịch vụ có nhu cầu tuyển dụng lớn, môi trường làm việc thuận lợi, phù hợp với trình độ của nhiều đối tượng nên nhiều em đã đăng ký theo học.
Một nguyên nhân nữa khiến ngành khoa học cơ bản không đủ “sức hút” sinh viên là bởi mức thu nhập thấp. Sinh viên mới ra trường nếu làm việc ở viện nghiên cứu được hưởng mức lương theo hệ số quy định của Nhà nước. Nếu tính khởi điểm ban đầu, mức lương chỉ vài triệu. Đã vậy, không phải sinh viên tốt nghiệp đại học nào cũng được nhận vào biên chế ngay. Với những người phải trải qua quá trình thực tập, thử thách, mức lương rất thấp không thể bảo đảm trang trải cuộc sống. Vì thế, nhiều người đã xin chuyển ra bên ngoài để có thu nhập tốt hơn.
Những khó khăn trên khiến tỷ lệ thi tuyển đầu vào ngành khoa học cơ bản ở mức thấp. Một số trường khắc phục bằng cách ghép những ngành khoa học cơ bản vào những ngành khoa học ứng dụng. Tuy nhiên, việc này chỉ giải quyết được vấn đề tuyển sinh còn đầu ra vẫn là bài toán khó cho những người theo học. Việc thiếu sinh viên theo học ngành khoa học cơ bản về lâu dài là sự thiếu hụt nguồn cán bộ chất lượng cao hoạt động trong ngành này, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của đất nước.
Để ngành khoa học cơ bản thu hút nhiều người giỏi theo đuổi đam mê, cống hiến trí tuệ thì Nhà nước cần có chính sách quan tâm, chế độ đãi ngộ hợp lý, bố trí tuyển dụng khi sinh viên ra trường, hoặc đào tạo theo các chương trình cử tuyển. Các trường đại học cần có chương trình học bổng, miễn, giảm học phí, hỗ trợ quá trình học tập đối với sinh viên ngành khoa học cơ bản. Trong thực tế, nhiều ngành nghề đang tích hợp liên ngành, do đó, rất cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng trong việc truyền thông, định hướng nhu cầu của xã hội về ngành nghề liên quan đến khoa học cơ bản, tạo niềm tin cho sinh viên khi theo học cũng như ra trường có được công việc phù hợp với chuyên ngành đào tạo và bảo đảm cuộc sống.
Nguồn: Sưu tầm