Hàng loạt lễ hội được tổ chức dịp đầu năm Quý Mão
Sau nhiều năm bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, đầu năm Quý Mão 2023, nhiều lễ hội được tổ chức long trọng với phần lễ và phần hội, thu hút du khách thập phương.
Lễ hội chùa Hương
Được tổ chức từ ngày mùng 6 Tết Nguyên đán và kéo dài cho đến hết tháng 3 Âm lịch. Lễ hội chùa Hương được tổ chức tại địa phận xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Đây là một trong những lễ hội Phật giáo được đón chờ nhất ở Việt Nam dịp tháng Giêng.
Lễ hội chùa Hương tổ chức từ ngày mùng 6 Tết Nguyên đán và kéo dài cho đến hết tháng 3 Âm Lịch
Điểm nổi bật của lễ hội năm 2023 là BTC đổi mới hình thức bán vé tham quan, lễ hội từ hình thức vé truyền thống sang mô hình vé điện tử. Sắp xếp lại các điểm bán vé, phương thức bán vé đảm bảo phù hợp. Bỏ việc bán vé tại 2 cổng Tiên Mai và Đục Khê để đảm bảo thông thoáng, tạo điều kiện thuận tiện cho du khách về tham quan, trẩy hội. Năm nay đưa vào thí điểm mô hình chạy xe điện tại các điểm bến xe để du khách về Chùa Hương được thưởng ngoạn vẻ đẹp của xã Hương Sơn.
Lễ hội chùa Bái Đính
Tổ chức từ mùng 6 tháng Giêng và kéo dài đến hết tháng 3 Âm lịch.
Lễ hội chùa Bái Đính tổ chức từ ngày mùng 6 tháng Giêng và kéo dài đến hết tháng 3 Âm lịch
Đây được coi là ngày lễ mở đầu cho các lễ hội hành hương trở về cố đô Hoa Lư. Hội gồm nhiều hoạt động giải trí như các trò chơi dân gian, vãn cảnh thăm thú những địa điểm đẹp, thưởng thức nghệ thuật ca trù, chèo, xẩm nổi danh khắp đất cố đô.
Hội đền Gióng
Hội đền Gióng tổ chức từ ngày mùng 6 - 8 tháng Giêng Âm lịch tại huyện Sóc Sơn, Hà Nội để tưởng nhớ về chiến công của người anh hùng dân tộc.
Hội đền Gióng tổ chức từ ngày mùng 6 đến ngày mùng 8 tháng Giêng Âm lịch
Tại lễ hội có mô phỏng lại những trận đấu oai hùng chống giặc Ân xâm lược của Thánh Gióng và nhân dân Văn Lang ta như một lời tri ân về công sức của những người đi trước cũng như lời răn dạy con cháu về tinh thần thượng võ, ái quốc.
Lễ hội đền Cổ Loa
Lễ hội đền Cổ Loa tổ chức ngày mùng 6 Tết Nguyên đán
Lễ hội đền Cổ Loa được tổ chức vào ngày mùng 6 Tết. Vào ngày này, người dân huyện Đông Anh, Hà Nội lại nô nức tổ chức lễ hội đền Cổ Loa để tưởng công đức của vua An Dương Vương - Người có công thành lập nên nhà nước đầu tiên của nước ta. Đến với lễ hội bạn sẽ được tham gia nghi thức rước Văn, tế lễ và rước thần của “bát xã” để tưởng nhớ vị thánh linh, cầu bình an, cầu hạnh phúc cho mọi nhà.
Lễ hội Xuân Tây Thiên
Lễ hội Xuân Tây Thiên 2023 sẽ diễn ra trong ba ngày từ mùng 6 đến 8 Tết Quý Mão. Vào mỗi dịp khai xuân, du khách lại tìm về thắng cảnh Tây Thiên, Vĩnh Phúc để tham quan, lễ Phật cầu bình an, sức khỏe cho bản thân và gia đình. Cùng với nét đẹp lễ hội truyền thống, Pháp hội Đại Bi Quan Âm tại Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên đang trở thành điểm nhấn thu hút du khách thập phương với những nghi lễ tâm linh và giao lưu văn hóa đặc sắc.
Lễ hội Xuân Tây Thiên 2023 sẽ diễn ra trong ba ngày từ mùng 6 đến 8 Tết Quý Mão.
Trong ba ngày từ mùng 6-8 Tết Quý Mão, Đức Gyalwang Drukpa và Tăng đoàn Truyền thừa Phật giáo Ấn Độ Drukpa sẽ khai đàn và chủ trì Đại Pháp Hội cầu an, quán đỉnh gia trì cát tường may mắn trong Pháp hội Đại Bi Quan Âm tại Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên (Đại Đình, Tam Đảo, Vĩnh Phúc).
Hội chợ Viềng
Hội chợ Viềng được tổ chức tại vào ngày mùng 8 tháng Giêng, tại xã Kim Thái, huyện Vụ Bảng, thành phố Nam Định. Hàng năm có rất nhiều du khách và dân bản địa đến dự hội và đi chùa, đền, phủ ở nơi đây để xin lộc đầu xuân.
Hội chợ Viềng được tổ chức tại vào ngày mùng 8 tháng Giêng
Đến lễ hội du khách sẽ được tham gia mua sắm trao đổi giao lưu văn hóa cộng đồng cùng những vật phẩm, sản vật với khái niệm "mua may bán đắt" và hàng năm được đông đảo du khách quan tâm.
Lễ hội đền Trần
Hội đền Trần, tại khu di tích đền Trần - chùa Tháp Phổ Minh, P.Lộc Vượng (TP.Nam Định) được tổ chức từ ngày 13 đến ngày 15 tết Nguyên Đán nhằm tỏ lòng thành kính đến trời đất cùng chư vị thần linh.Sau 3 năm tạm dừng vì dịch Covid-19, lễ hội khai ấn đền Trần (Nam Định), sẽ được tổ chức trở lại trong dịp Xuân Quý Mão 2023.
Các nghi lễ được cử hành trang trọng theo nghi thức truyền thống. Vào đêm khai ấn, từ 22 giờ 40 phút bắt đầu diễn ra nghi lễ dâng hương các vị vua Trần, do UBND TP.Nam Định chủ trì. Sau đó là lễ rước kiệu ấn từ sân đền Cố Trạch qua cổng chính tới đền Thiên Trường.
Nghi lễ khai ấn bắt đầu từ 23 giờ 15 tại ban thờ Trung thiên đền Thiên Trường, với 14 cụ cao niên trong dòng họ Trần tại làng Tức Mặc, P.Lộc Vượng và đại diện một số ban, ngành, đoàn thể chứng kiến nghi lễ đóng dấu khai ấn (14 cánh ấn bằng giấy màu vàng). Những lá ấn này sau đó được dâng lên các đình, chùa thuộc P.Lộc Vượng…
Lễ hội Yên Tử
Lễ hội Yên Tử được tổ chức tại núi Yên Tử, thành phố Uông Bí, Quảng Ninh từ ngày mùng 10 tháng Giêng và kéo dài cho đến hết tháng 3 Âm lịch. Lễ hội bao gồm các hoạt động: bái tổ Trúc Lâm, dâng hương cúng phật, những hoạt động văn hóa dân gian…
Lễ hội Yên Tử tổ chức từ mùng 10 tháng Giêng và kéo dài cho đến hết tháng 3 Âm lịch
Ngoài ra còn nhiều lễ hội cũng được tổ chức vào những ngày đầu năm mới như lễ hội Đền Hùng Phú Thọ (được tổ chức từ ngày mùng 9 đến ngày 13 tháng 3 Âm Lịch, chính hội là ngày mùng 10 tháng 3), lễ hội Kinh An Dương Vương (ngày 18 tháng Giêng); hội Lim Bắc Ninh ( 12-13 tháng Giêng); lễ hội Bà chúa Kho (từ ngày mồng 4 đến hết tháng Giêng)...
Nguồn: Tổng hợp