“Hồ sen chờ ai” nơi sinh viên ĐH FPT được “xả” hết với thầy cô
Băn khoăn, lo lắng, buồn bực… sinh viên có thể nói ra hết thảy với “Hồ sen chờ ai”- giống như một buổi tâm sự trà chiều cho tất cả những ai không muốn một mình vào tối thứ 6.
Một giảng viên ĐH FPT đã chia sẻ: “Ở trường Đại học FPT nơi tôi đang giảng dạy, có một chương trình rất nhân văn mà tôi thực sự rất thích, có tên là “Hồ sen chờ ai” do một nhóm các thầy cô giáo trẻ thực hiện, phi lợi nhuận. Bất kể là các bạn sinh viên đang có vấn đề gì, khó nói… sẽ vẫn luôn có “Hồ sen” là các thầy cô ở đó lắng nghe và đưa ra những lời khuyên (nếu có thể).
Chỉ riêng cái sự lắng nghe đó thôi đã là quá đủ, bởi các em sẽ biết rằng ngay cả những lúc bế tắc nhất sẽ vẫn luôn tìm thấy một “Pinkie” cho riêng mình (Pinkie là tên của một cây cam ngọt trong truyện “Cây cam ngọt của tôi” – người bạn thân chứa đựng mọi tâm sự của chú bé Zeze, Pinkie không làm gì hết, nó chỉ lắng nghe). Khổ đau, muộn phiền khi được nhận diện và lắng nghe thì tức là đã được giải quyết phần lớn.”
Đó là mô hình “Hồ Sen chờ ai” được hình thành từ năm 2021 do nhóm 3 thầy cô trường ĐH FPT. Họ đều là những thầy cô hay “chơi thân” với sinh viên, được các bạn tin tưởng, tâm sự ngoài giờ học.
Chia sẻ với phóng viên, cô Kiều Thị Thu Chung cho biết, “Hồ Sen chờ ai” ra đời khi chúng tôi nhận thấy campus trường hiện tại không nhìn thấy được các em một cách trọn vẹn, mà chỉ thấy được các em trong lớp học, thi cử, bàn chuyện chuyên môn.
“Khi trò chuyện với sinh viên, chúng tôi nhận thấy các em có nhiều tâm tư, và chưa có nơi để bộc lộ. Chúng tôi tin rằng trường Đại học FPT không chỉ là nơi đào tạo chuyên môn, mà còn là môi trường cho các em cảm giác thân thiện, an toàn và hỗ trợ tối đa.
Đó là 35 câu lạc bộ thuộc nhiều lĩnh vực, là những chương trình phát triển cá nhân như 7 ngày trải nghiệm, 48h chuyển động,… hay các sự kiện workshop, talkshow được tổ chức liên tục.
Và cũng sẽ rất cần một nơi “an trú” cho các em trở về, bất cứ lúc nào, thành công hay thất bại, hạnh phúc hay buồn khổ những con người nồng hậu luôn đón các em.
Và chúng tôi mong muốn chính các em tự khám phá nhiều hơn những cá tính của mình, ở một không gian khác ngoài lớp học. Sẽ thật tuyệt vời nếu có một không gian cho các cá tính này gặp gỡ nhau”, cô Chung nói về lý do ra đời “Hồ Sen chờ ai”.
Trong hành trình “gỡ rối” cho sinh viên đã có vô vàn những tình huống, những tâm sự được các em tin tưởng tìm đến với các thầy cô.
“Như một lần một nữ sinh viên năm nhất tìm đến tôi, em xin 20 phút tâm sự áp lực ở trường. Tôi còn nhớ rõ đó là chiều muộn thứ 5.
Em được giao làm trưởng nhóm, dù đã có kinh nghiệm dẫn dắt nhóm thời cấp III và chủ nhiệm một câu lạc bộ, nhưng em vẫn bị áp lực do tính chất bài tập nhóm trong lớp khác những hoạt động trước em từng tham gia.
Những bạn sinh viên cùng nhóm đều là người giỏi và cá tính, có chính kiến riêng, nên rất khó thuyết phục các bạn, và một thành viên trong đó không chịu làm gì. Là trưởng nhóm, em tự đặt quá nhiều trách nhiệm cho mình, thậm chí đã lấn sang phần việc của bạn khác, có lúc còn làm thay việc của thầy cô hướng dẫn các bạn… rồi em tự stress.
Sau một chút ngồi nghe nữ sinh viên này tâm sự, chúng tôi dần gỡ từng nút thắt cho em. Cô sinh viên ấy đã ra về nhẹ lòng hơn. Tôi chợt nghĩ những câu chuyện như vậy không thiếu trong trường tôi, các em đáng lẽ không cần chịu căng thẳng nhiều nếu các em được chia sẻ, lắng nghe và hướng dẫn sớm”, cô Kiều Thị Thu Chung nói.
Hay trường hợp sinh viên khác lại tâm sự gia đình em ấy đang bị bạo lực nặng nề. Cha đánh mẹ và đánh em ấy.
“Ngay giữa thành phố văn minh này, những câu chuyện buồn vẫn tiếp diễn ấy ám ảnh chúng tôi. Vì vậy chúng tôi luôn cố gắng đến gần sinh viên và giữ cho mình “rảnh” để các em có thể tìm đến tâm sự bất cứ lúc nào”, cô Thu Chung trùng giọng.
Được biết xuất phát điểm chỉ 3 thầy cô làm công việc “vác tù và hàng tổng” đến bây giờ đã có 5 thầy cô thường trực chương trình Hồ Sen chờ ai hàng tháng tâm sự với sinh viên với hình thức online vào tối thứ 6.
Mỗi số Hồ Sen chờ ai đều có chủ đề riêng, là Tình Yêu, Ổn, Là Nhà… do sinh viên đề nghị là những ưu tư của chính các em. Hồ Sen chờ ai hàng tháng đều đón được cựu sinh viên, sinh viên ở các cơ sở trên cả nước, kể cả có các em học sinh cấp III cùng tham gia.
Hơn hết, điều mà mỗi thành viên luôn hướng đến là các bạn sinh viên đã dần tin tưởng, mở lòng và dũng cảm chia sẻ câu chuyện của mình. Sau mỗi số Hồ Sen chờ ai, các bạn sinh viên từ lạ lẫm đã biết đến nhau, tự kết bạn với nhau và mở rộng vòng bạn bè trong cộng đồng trường.
Ban đầu sinh viên còn ái ngại nhưng sau đó rất nhanh các bạn đã chia sẻ rất nhiều. Thông thường thời lượng chương trình dự kiến là 2 tiếng nhưng hầu như hôm nào chương trình cũng kéo dài 3-3.5h và kết thúc trong tình trạng là các bạn vẫn còn muốn hỏi tiếp.
“Mỗi thắc mắc của sinh viên đều thú vị, các em hỏi từ chuyện tình cảm, giới tính, gia đình, học hành, chuyển ngành, chọn công ty… Hồ Sen chờ ai chỉ lắng nghe và là cầu nối cho các bạn sinh viên biết đến nhau, cùng nhau san sẻ niềm vui nỗi buồn.
Các thầy cô phụ trách Hồ Sen chờ ai không chỉ đứng ở vị trí là những người thầy, người cô, chúng tôi luôn xem mình là người đồng hành cùng các em, sẵn sàng cho các em một bàn tay nắm hay một bờ vai khi các em cần động viên. Có khi đó là là lời động viên nhẹ nhàng, có khi lại gay gắt trực diện để đẩy nhanh tốc độ xử lý vướng mắc mà các em đang gặp phải”, cô Thu Chung cho biết.
Được biết, 5 cá tính “nóng lạnh” khác nhau của 5 thầy cô phụ trách Hồ Sen chờ ai cũng làm cho phần tâm sự thêm nhiều màu sắc. Các thầy cô cho sinh viên nhiều quan điểm đa chiều để chính các em chọn lấy hướng phù hợp cho mình.
Theo đó, khi tiếp nhận những câu hỏi, vấn đề từ sinh viên, các thầy cô không đưa ra cách giải quyết cụ thể. “Đơn giản là chúng tôi cùng lắng nghe, cởi mở và thấu cảm để giúp các em có thể tự cân bằng cảm xúc, giữ bình tĩnh, sắp xếp lại tâm trí và từ đó tìm ra đáp áp phù hợp cho bản thân các em”, cô Thu Chung nói.
Nguồn: Vietnamnet.vn