Hội nghị xúc tiến đầu tư ĐHQGHN: Nhiều thỏa thuận hợp tác được ký kết
Khu đô thị ĐHQGHN được Thủ tướng Chính phủ định hướng xây dựng theo mô hình “5 trong 1” gồm: Trung tâm đào tạo tài năng; Trung tâm nghiên cứu chuyển giao công nghệ hiện đại; Trung tâm đổi mới sáng tạo ngang tầm quốc gia và quốc tế; Đô thị đại học thông minh, hiện đại; Trung tâm thử nghiệm hợp tác công tư và đào tạo nghiên cứu.
Hiện nay, ĐHQGHN đã xây dựng danh mục các dự án dự kiến đầu tư PPP giai đoạn 2022 – 2025 bao gồm: Trung tâm nghiên cứu và triển khai khoa học công nghệ R&D, Trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao công nghệ tài chính ngân hàng, bệnh viện tiêu chuẩn quốc tế, khu ký túc xá, trường liên cấp, tổ hợp thương mại dịch vụ…
Phát biểu tại hội nghị, Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân cho biết, Khu đô thị ĐHQGHN được đầu tư với mục tiêu trở thành khu đô thị trọng điểm ở phía Tây Thủ đô, tập trung của nguồn lực tri thức khoa học, công nghệ; nghiên cứu, chuyển giao tri thức, kết nối liên thông với khu công nghệ cao Hòa Lạc, toàn thành phố và khu vực Tây Bắc Bộ. ĐHQGHN được lựa chọn là trung tâm đại học đầu tiên của cả nước thí điểm mô hình hợp tác đối tác công tư (PPP).
“Để trở thành một đơn vị đại học thông minh, trung tâm đổi mới sáng tạo, ĐHQGHN cần tiên phong trong thu hút hợp tác dựa trên cộng đồng, xã hội và doanh nghiệp, các nhà đầu tư” – Giám đốc Lê Quân nhấn mạnh.
Giám đốc Lê Quân chia sẻ, bên cạnh các tổ hợp công trình được đầu tư xây dựng cho các hạng mục giáo dục đào tạo và nghiên cứu thì còn khoảng 50% diện tích để dành cho các công trình hợp tác đối tác công tư và thu hút nguồn lực.
Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Tổ công tác triển khai dự án ĐHQGHN tại Hòa Lạc do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư làm tổ trưởng, góp phần tháo gỡ những vướng mắc một cách kịp thời và hiệu quả. Giám đốc cho biết thêm, ĐHQGHN đang xây dựng dự thảo quy trình hướng dẫn thực hiện đầu tư theo phương thức PPP tại ĐHQGHN, thể hiện quyết tâm của ĐHQGHN trong việc công khai, minh bạch quy trình giải quyết công việc.
Tại hội nghị, Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn đã trình bày tóm tắt báo cáo tổng kết các phiên chuyên đề trong khuôn khổ Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2022.
Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn thông tin thêm, trong khuôn khổ hội nghị, ĐHQGHN đã ký kết 25 biên bản ghi nhớ hợp tác với các đối tác: Công ty cổ phần Tập đoàn T&T, Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội SHB, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Agribank, Hiệp hội Doanh nghiệp Hà Nội, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Tp.Hà Nội, Hiệp hội Doanh nghiệp hàng tiêu dùng, Hiệp hội Doanh nghiệp chủ lực, Công ty cổ phần Tiếp vận quốc tế Tiên phong (PI Logistics), Công ty Cổ phần NTACO, Công ty cổ phần Sao Thái Dương.
Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng, việc thu hút đầu tư vào Khu đô thị ĐHQGHN tại Hòa Lạc là đòn bẩy cho sự phát triển đô thị đại học thông minh theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, đây là nguồn lực chính để ĐHQGHN triển khai các nhiệm vụ trọng tâm. Chủ nhiệm Lê Quang Huy cũng cho rằng, quỹ phát triển khoa học công nghệ của các đơn vị, địa phương chưa được khai thác hết, dẫn đến việc thu hút đầu tư chưa đúng trọng tâm, trọng điểm.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam chia sẻ một số kinh nghiệm trong giải quyết tranh chấp kinh tế bằng phương thức hòa giải, trọng tài. Chủ tịch Vũ Tiến Lộc bày tỏ kỳ vọng ĐHQGHN sẽ trở thành điển hình của mô hình hợp tác đối tác công tư (PPP), đồng thời là cơ sở cho việc thực hiện chiến lược, kế hoạch đối tác hợp tác công tư của Nhà nước.
Cùng ngày, ĐHQGHN đã tổ chức lễ khánh thành và bàn giao tòa nhà làm việc ĐHQGHN tại Hòa Lạc do cựu sinh viên Nguyễn Khoa Bảo và Công ty FSI tài trợ.
Trong khuôn khổ hội nghị, diễn ra các hoạt động: Triển lãm tiềm lực và thành tựu khoa học công nghệ, Không gian kết nối và xúc tiến đầu tư, Ngày hội kết nối các thế hệ sinh viên ĐHQGHN
Nguồn: VNU