Hướng tới khu “đô thị tri thức”
Có nhiều thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, việc định hướng thành khu “đô thị tri thức”, tương tác cao với hệ thống các trường đại học, nền tảng khoa học công nghệ cao ở các huyện phía Tây sẽ là tiền đề phát triển kinh tế tri thức của Thủ đô.
Toàn cảnh Khu Công nghệ cao Hòa Lạc. Ảnh: CTV
Những quy hoạch trong tương lai
Là Thủ đô văn hiến, nơi tỏa sáng những khát vọng vươn lên, Hà Nội có tốc độ đô thị hóa nhanh. Tuy nhiên, sau thời kỳ phát triển “nóng”, Thành phố phải đối mặt với hàng loạt vấn đề, nhất là tốc độ đô thị hóa và gia tăng dân số cơ học tăng nhanh, dẫn đến nhiều thách thức trong quy hoạch, giao thông, an ninh, y tế, giáo dục, năng lượng, phát triển nhà ở, xử lý ô nhiễm môi trường...
Để giải quyết các vấn đề đó, định hướng quy hoạch chung của Thủ đô Hà Nội sẽ phát triển theo mô hình chùm đô thị, gồm đô thị trung tâm và 5 khu đô thị vệ tinh cụ thể gồm: Hòa Lạc, Sóc Sơn, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên. Trong đó, việc hình thành các khu vực tập trung hệ thống các trường học, khu công nghệ cao… đang được nhiều người kỳ vọng.
Theo quy hoạch chung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đô thị vệ tinh Hòa Lạc nằm trong địa giới hành chính của 10 xã thuộc huyện Thạch Thất, 6 xã thuộc huyện Quốc Oai và một phần xã Cổ Đông của thị xã Sơn Tây với tổng diện tích 17.294ha, chia thành 2 vùng đặc trưng là vùng nội thị và Vùng vành đai xanh. Đến năm 2030 và những năm tiếp theo, dân số đô thị vệ tinh Hòa Lạc tối đa khoảng 600.000 người, trong đó dân số nội thị khoảng 510.000 người, dân số ngoại thị khoảng 90.000 người, tỷ lệ dân số đô thị khoảng 85%.
Được định hướng phát triển thành đô thị khoa học công nghệ, Hòa Lạc trong tương lai sẽ trở thành nơi tập trung trí tuệ và công nghệ tiên tiến, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trung tâm nghiên cứu khoa học, công nghệ cao của cả nước, trung tâm đại học quốc gia và cao đẳng dạy nghề, trung tâm y tế, khám chữa bệnh. Đồng thời, đô thị này sẽ là đô thị sinh thái - nghỉ dưỡng, khoa học - công nghệ theo hướng phát triển đô thị xanh, thông minh, tiết kiệm năng lượng tại phía Tây Hà Nội.
Theo đó, Hòa Lạc được phân thành 6 quy hoạch phân khu. Trong đó, 2 phân khu quan trọng, là phần lõi của đô thị Hòa Lạc gồm Khu Đại học Quốc gia Hà Nội (HL1) và Khu Công nghệ cao Hòa Lạc (HL2) đã được Thủ tướng phê duyệt.
Hiện, việc đầu tư xây dựng tại hai phân khu này đã và đang là những nét vẽ tạo tiền đề hình thành bức tranh tổng thể đô thị vệ tinh Hòa Lạc. Nhất là tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, hạ tầng khung toàn khu đã hoàn thiện, có quỹ đất sạch, Hà Nội đã kêu gọi các nhà đầu tư vào triển khai dự án. Khu Công nghệ cao được kỳ vọng trở thành một thành phố khoa học và công nghệ sinh thái thông minh.
Tương tự, theo Quy hoạch chung đã được thành phố Hà Nội phê duyệt năm 2015, đô thị vệ tinh Xuân Mai nằm ở phía Tây Nam, cách đô thị trung tâm Hà Nội gần 40km, bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính của thị trấn Xuân Mai và 4 xã: Thủy Xuân Tiên, Nam Phương Tiến, Tân Tiến và Hoàng Văn Thụ (huyện Chương Mỹ). Trong đó, phát triển các trung tâm dịch vụ gắn với cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề truyền thống và phát triển dịch vụ thương mại đầu mối, kết nối Hà Nội với những tỉnh phía Tây Bắc.
Cùng với đô thị Hòa Lạc, đô thị Xuân Mai có vai trò hỗ trợ về đào tạo đại học, giảm tải sinh viên ra khỏi đô thị trung tâm. Bên cạnh đó, đây cũng được xây dựng là đô thị sinh thái dựa trên cảnh quan thiên nhiên hiện có. Theo quy hoạch, đô thị vệ tinh Xuân Mai gồm 3 phân khu (khu 1, khu 2, khu 3), trong đó có một phân khu làm trung tâm dịch vụ thương mại, đào tạo đại học, cao đẳng với khoảng 16.200 sinh viên. Hiện nay, trên địa bàn thị trấn Xuân Mai cũng đã có Trường Đại học Lâm nghiệp, Trường Cao đẳng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bắc Bộ đã và đang thu hút nhiều sinh viên.
Ngoài ra, theo định hướng quy hoạch, hệ thống giao thông tại đô thị vệ tinh Hòa Lạc phát triển hiện đại, bao gồm mạng lưới các tuyến đường vành đai và đường chính đô thị, được gắn kết bởi mạng lưới giao thông công cộng là chủ yếu, với các làn riêng cho City Bus, BRT, Metro, xe đạp, các phương tiện thân thiện với môi trường khác. Đơn cử, hiện nay, hệ thống giao thông dọc phía Tây Hà Nội đã và đang được đầu tư.
Đại lộ Thăng Long (đường cao tốc Láng - Hòa Lạc) là tuyến đường cao tốc nối khu trung tâm Hà Nội với quốc lộ 21A cũ, nay là điểm đầu của đường Hồ Chí Minh. Đại lộ Thăng Long có ý nghĩa chiến lược với sự phát triển khu vực phía Tây Thủ đô Hà Nội vì đây là con đường nằm ở vị trí đầu mối, nối đường Hồ Chí Minh với địa bàn Thủ đô Hà Nội và nhiều tỉnh bạn. Đồng thời, sẽ là huyết mạch nối Thủ đô Hà Nội với các trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học ở khu vực Hòa Lạc. Đây cũng là con đường đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát triển mở rộng Thủ đô Hà Nội về phía Tây và Tây Nam, tạo ra một Thủ đô hiện đại và văn minh.
“Tháo gỡ” vướng mắc để phát triển
Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm nhận định, đô thị vệ tinh Hòa Lạc có diện tích lớn nhất trong số các đô thị vệ tinh của Hà Nội, khi hình thành sẽ tạo động lực phát triển cho một vùng rộng lớn phía Tây Thủ đô. Khu vực Hòa Lạc có điều kiện địa chất, địa hình ổn định, đã hình thành điều kiện hạ tầng giao thông cơ bản kết nối với đô thị trung tâm theo Đại lộ Thăng Long, kết nối giao thông Bắc - Nam theo đường Hồ Chí Minh. Thời gian tới, cần đẩy mạnh hình thành nhiều tuyến đường nối trung tâm với đô thị Hòa Lạc như trục Tây Thăng Long, trục Hồ Tây - Ba Vì (đoạn Vành đai 4 đến Hòa Lạc), các tuyến đường sắt Hòa Lạc - Văn Cao, Hòa Lạc - Sơn Tây, Hòa Lạc - Xuân Mai… chính là điều kiện để phát triển khu công nghệ cao mà trọng tâm là hệ thống các trường học.
Theo PGS.TS Hà Đình Đức - nguyên Giảng viên cao cấp, Trường Đại học Tổng hợp (nay là Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, hiện nay, hầu hết các trường đại học có đẳng cấp trên thế giới đều phát triển theo hướng đô thị đại học. Có thể hiểu đô thị đại học là một “thành phố tri thức” tọa lạc trên một diện tích rộng lớn, có thể có một trường đại học đa ngành là trung tâm hoặc quy tụ nhiều trường đại học đơn ngành, các trường này là những bộ phận cấu thành một thành phố đại học. Đó là một không gian mở, hoàn chỉnh đa chức năng bao gồm không gian học thuật, nghiên cứu - phát triển; không gian dịch vụ và không gian văn hóa - thể thao - nghệ thuật.
PGS.TS Hà Đình Đức
“Trên thực tế, theo quy hoạch, Hà Nội cũng đã có nhiều quỹ đất ở phía Tây như Hòa Lạc, Xuân Mai để phục vụ cho việc phát triển hệ thống các trường đại học, phát triển “đô thị tri thức”. Ví dụ, hiện nay một số trường như Đại học FPT đã đi vào hoạt động, việc xây dựng khu Đại học Quốc gia Hà Nội cũng đang được triển khai. Tuy nhiên, tôi cho rằng việc di dời các trường đại học ra ngoại thành và xây dựng các đô thị đại học, không nên nghĩ đơn giản chỉ để giảm áp lực lên trung tâm mà phải coi đây là cơ hội để đạt được nền giáo dục đào tạo chất lượng cao. Khát vọng về đô thị tri thức là lý tưởng, tuy nhiên, cần sự đồng thuận của xã hội, sự hỗ trợ pháp lý và tài chính của Chính phủ, cơ quan chức năng”, PGS.TS Hà Đình Đức bày tỏ.
Dẫn chứng từ thực tế, có thể thấy, mặc dù có rất nhiều tiềm năng để phát triển, tuy nhiên, việc hình thành các “đô thị tri thức” tại phía Tây hiện nay vẫn chưa được như kỳ vọng. Tại Hòa Lạc, dự án đầu tư xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội đã được Chính phủ phê duyệt năm 2003 với mục tiêu chính là xây dựng khu đô thị đại học hiện đại, tiên tiến bậc nhất Đông Nam Á. Đây được đánh giá là một siêu dự án với quy mô lên tới trên 1.000ha, tổng mức đầu tư cũng lên tới cả tỷ USD... Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là sau gần 20 năm, hiện dự án Đại học Quốc gia Hà Nội ở Hòa Lạc mới chỉ hoàn thành được rất nhỏ so với kế hoạch.
Mới đây, tại phiên chất vấn Thủ tướng của Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khoá XV diễn ra vào tháng 11/2021, đại biểu Khuất Việt Dũng (đoàn Hà Nội) đã chuyển đến Thủ tướng kiến nghị cụ thể của cử tri về dự án Khu Công nghệ cao Hòa Lạc và dự án xây dựng Đại học Quốc gia cũng tại Hòa Lạc. Đây là hai dự án lớn, rất quan trọng của quốc gia với mục tiêu tạo ra sự đột phá và phát triển khoa học công nghệ, giáo dục - đào tạo bậc cao, góp phần quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững. Tuy nhiên, sau hai thập kỷ, kết quả thực hiện chưa được như kỳ vọng. Vì vậy, các đại biểu đề nghị nên giao khu công nghiệp cho Hà Nội quản lý.
Hiện nay, Trường Đại học FPT đã đi vào hoạt động và thu hút được nhiều sinh viên. Ảnh: Trường Đại học FPT
Về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, trước đây giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ là đúng. Bởi vì lúc đó ta chưa có kinh nghiệm, chưa có nguồn lực, chưa có thể chế hoàn chỉnh nên giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ làm. Song từ kinh nghiệm của thành phố Hồ Chí Minh và của các nước khác để cho Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện làm quản lý Nhà nước, còn giao Khu Công nghệ cao Hoà Lạc cho Hà Nội quản lý là khả thi và sẽ giải quyết được một số vướng mắc.
Về dự án xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội, theo Thủ tướng, có hai việc cần làm. Thứ nhất, phải tập trung đầu tư. Thủ tướng cho biết ông đã trao đổi với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, phải tập trung cho giải phóng mặt bằng, tập trung cho Đại học Quốc gia Hà Nội, vì nguồn lực ở đây dàn trải. Thứ hai, phải kết hợp hợp tác công tư. Thủ tướng cũng nhấn mạnh, cơ sở vật chất rất quan trọng nhưng nội dung chương trình quản lý và cơ chế quản lý trường cũng phải xem xét lại để nâng cao chất lượng đào tạo cũng như nâng cao chất lượng đời sống cho nhân dân. Hy vọng rằng, tới đây các bất cập sẽ được giải quyết, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc thực sự là “khu đô thị tri thức” góp phần vào sự phát triển của Thủ đô và đất nước.
Nguồn: laodongthudo.vn