Những thách thức của thời đại 4.0
Xe buýt Hà Nội đang phải đối diện với rất nhiều khó khăn, đặc biệt là sự cạnh tranh gắt gao của các loại hình vận tải công cộng có ứng dụng công nghệ hiện đại.
Hành khách tại trạm trung chuyển xe buýt Long Biên. Ảnh: Thanh Hải
Cạnh tranh gắt gao
Có thể nói, điểm mạnh nhất của xe buýt Hà Nội hiện nay là giá rẻ. Nhờ được TP trợ giá, người dân chỉ phải mất từ 7.000 - 9.000 đồng cho một lượt đi bằng xe buýt. Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP Hà Nội Thái Hồ Phương cho biết thêm: “Nếu sử dụng vé tháng liên tuyến, chỉ với 100.000 đồng/tháng, bất kỳ người dân nào cũng có thể đi khắp Hà Nội bằng xe buýt”.
Thế nhưng ưu điểm đó của xe buýt đang dần mất thế độc tôn. Sự cạnh tranh của các loại hình xe ôm, taxi công nghệ, xe đi chung, xe tiện chuyến…, nhất là trên những cung đường ngắn dần trở thành thách thức thực sự với xe buýt. Từ khi tham gia vào thị trường VTHKCC, các hãng xe công nghệ như: Grab, Be… không chỉ đưa ra mức giá cước khá rẻ mà còn liên tục áp dụng các chương trình khuyến mại.
Hiện người dân có thể sử dụng Grabbike, Grabcar để đi lại trên tuyến ngắn với giá chỉ gần bằng một tấm vé xe buýt; nếu áp dụng khuyến mại có thể bằng hoặc rẻ hơn. Mặt khác, trong khi hành trình của xe buýt phải đi qua nhiều điểm dừng, thời gian dài hơn, hành khách có thể phải đứng hoặc chen chúc chật chội thì sử dụng xe công nghệ lại thoải mái hơn. Điều này dẫn đến hệ quả, dù giá cước có đắt hơn ít nhiều, khá đông người dân vẫn thấy xe công nghệ hấp dẫn hơn xe buýt.
Một vấn đề khác cũng khá nan giải là tình trạng xe đi chung, xe tiện chuyến, xe khách trá hình luồn sâu vào nội đô Hà Nội đón trả khách. Được đưa đón tận cửa, không phải thay đổi nhiều phương thức di chuyển, tiết kiệm thời gian hơn khi đến các bến xe, thậm chí đi ngoại tỉnh, hành khách cũng dần rời xa xe buýt. Hơn nữa, việc tiếp cận các loại phương tiện này dễ dàng hơn rất nhiều khi người dân chỉ cần một thiết bị thông minh, kết nối mạng internet đã có thể chọn xe, đặt chỗ. Trong khi đó, xe buýt vẫn còn thiếu khá nhiều tiện ích, nhất là việc kết nối với hành khách qua mạng internet.
Chị Nguyễn Thị Hương (xã Vạn Kim, huyện Mỹ Đức) chia sẻ: “Mỗi khi có việc đi vào trung tâm TP, tôi phải bắt 2 - 3 tuyến xe buýt, vừa rất mất thời gian, mệt mỏi, vừa khó định hình được lộ trình, chi phí mỗi lượt đi khoảng gần 30.000 đồng. Nhưng nếu lên mạng tìm kiếm xe đi chung, tôi chỉ mất khoảng 50.000 - 70.000 đồng/lượt là đến thẳng nơi cần đến, nhanh chóng, thuận tiện”.
Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng phân tích, mức thu nhập và chất lượng cuộc sống của người dân Hà Nội những năm qua đã được nâng cao đáng kể. Bộ phận không nhỏ người dân đánh giá dịch vụ, tiện ích của xe công nghệ cao hơn hẳn xe buýt và họ đủ sức chi trả nên ưu tiên lựa chọn loại hình này thay cho VTHKCC truyền thống.
Nhu cầu tất yếu
Ngày nay, các tiện ích của thời đại công nghệ 4.0 đã trở thành một phần tất yếu của cuộc sống, có ảnh hưởng mang tính chất quyết định đến lựa chọn của người dân trên nhiều lĩnh vực, trong đó có phương thức đi lại.
Vài năm qua, xe buýt Hà Nội đã khá quan tâm đến nhu cầu tất yếu này.
Ngoài giá vé rẻ, xe buýt Hà Nội cần phải thực sự chất lượng hơn, thuận tiện hơn nữa mới có thể tiếp tục cạnh tranh với xe công nghệ.
Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng
Hàng loạt xe đã được trang bị wifi miễn phí, ứng dụng Timbuyt đã được đưa vào sử dụng, tích hợp khá đầy đủ thông tin toàn mạng lưới, có tiện ích theo dõi xe di chuyển trên đường để người dân chủ động đón chờ; việc mua vé tháng cũng đã được thực hiện online…
Tuy nhiên, vẫn còn đó những hạn chế bắt nguồn từ sự hụt hơi của VTHKCC trong cuộc đua công nghệ. Không ít người dân ra đường không mang theo tiền mặt, họ thanh toán tất cả bằng cách sử dụng thiết bị di động thông minh với ứng dụng ngân hàng cài đặt sẵn. Nhưng vé xe buýt lại dưới 10.000 đồng, với một số ngân hàng không thể chuyển khoản được, hành khách cũng không biết chuyển vào đâu, nên khi không có tiền mặt, nhiều người sẽ không thể đi xe buýt.
Trong khi đó, Hà Nội dù đã ấp ủ từ lâu, vẫn chưa triển khai được thẻ vé điện tử liên thông cho xe buýt, tàu điện. Giữa bối cảnh thương mại điện tử đã trở thành trào lưu, xu hướng tất yếu, thiếu thẻ vé điện tử đang là một trong những hạn chế, khiến xe buýt kém hấp dẫn người dân hơn hẳn các loại hình xe công nghệ khác.
Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng nhận định, có một khác biệt nhỏ giữa xe buýt với xe công nghệ nhưng tác động rất lớn đến tâm lý và sự lựa chọn của hành khách. Đó là quyền đánh giá nhân viên phục vụ. Grab hay bất kỳ ứng dụng đặt xe công nghệ nào đều cho phép hành khách đánh giá nhân viên phục vụ bằng sao ngay trên app. Thông tin đánh giá được sử dụng làm căn cứ để có chế tài với người phục vụ ngay, hành khách cảm thấy ý kiến của mình được tôn trọng đúng mức. “Trong khi đó, chất lượng phục vụ của xe buýt còn không ít hạn chế nhưng hành khách lại không dễ phản hồi đến cơ quan quản lý, thậm chí là kiến nghị nhưng không được lưu tâm, khiến họ càng thiên về xu hướng lựa chọn xe công nghệ” - ông Nguyễn Mạnh Thắng nói.
Có ý kiến cho rằng, với mức giá vé rất rẻ, khó có thể đòi hỏi xe buýt phải tiện ích, chất lượng cao như xe kinh doanh vận tải thông thường. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, điều đó là không đúng. Người dân khi lựa chọn dịch vụ vận tải có quyền được đánh giá, so sánh và ưu tiên bất kỳ loại hình nào phù hợp nhất, tốt nhất.
Mặt khác, giá vé xe buýt rẻ là nhờ có hỗ trợ của TP, các DN quản lý, vận hành có trách nhiệm phải nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo thêm nhiều tiện ích, tăng sức hấp dẫn của xe buýt để thu hút người dân. Trong bối cảnh công nghệ 4.0 đang chi phối mọi mặt đời sống xã hội như hiện nay, xe buýt cần bắt kịp xu thế, làm mới mình để hoàn thành tốt nhiệm vụ phục vụ Nhân dân, dần thay thế xe cá nhân trên đường phố.
Nguồn: Kinh tế đô thị