Phát huy giá trị di sản trong phát triển kinh tế - xã hội
Di sản của Việt Nam đa dạng, phong phú với nhiều loại hình được UNESCO ghi danh, có giá trị và chức năng to lớn trong đời sống tinh thần của cộng động các dân tộc, là nguồn tài nguyên vô giá trong phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, nền kinh tế thị trường và vấn đề biến đổi khí hậu tạo ra cơ hội nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức trong việc bảo vệ và phát huy các giá trị di sản. Do đó, nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao có năng lực, kiến thức và cách tiếp cận liên ngành trong nghiên cứu và các công tác liên quan đến di sản là vô cùng cần thiết.
Phố cổ Hội An. Ảnh: Internet
Di sản Việt Nam: Kho báu văn hóa và thách thức bảo vệ
Việt Nam được biết đến là một quốc gia có nguồn tài nguyên di sản đa dạng và phong phú. Từ năm 1962 tới nay, Việt Nam đã có trên 40.000 di tích được kiểm kê; trong đó có gần 10.000 di tích cấp tỉnh, thành phố; 3.581 di tích quốc gia; 119 di tích quốc gia đặc biệt, 08 Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) ghi danh, bao gồm cả di sản văn hóa, di sản thiên nhiên và di sản hỗn hợp văn hóa và thiên nhiên. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có 395 di sản văn hoá phi vật thể quốc gia, 13 di sản được UNESCO ghi danh vào Danh sách các di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại và 02 được ghi danh vào Danh sách các di sản văn hoá phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Những di sản này không chỉ được coi là dấu ấn của quốc gia mà còn được coi là bản sắc văn hóa và là động lực cho sự phát triển xã hội, là nguồn tài nguyên vô giá cho quá trình phát triển bền vững đất nước.
Những năm gần đây, bên cạnh tư duy phát triển dựa trên các trụ cột kinh tế, môi trường và xã hội, càng ngày các nhà quản lí, các nhà nghiên cứu và thực hành di sản càng nhấn mạnh tầm quan trọng của văn hoá như nhân tố quan trọng trong phát triển bền vững. Di sản đem lại các giá trị về văn hóa, thẩm mỹ, giáo dục, kinh tế, môi trường, xã hội, lịch sử cùng nhiều giá trị khác.
Thánh địa Mỹ Sơn. Ảnh: Internet
Công tác quản lý, bảo vệ và phát huy các giá trị di sản ở Việt Nam đạt được nhiều thành tựu, nhưng còn tồn tại nhiều bất cập và xung đột. Để có thể phát huy các giá trị di sản theo hướng bền vững, cần có một hệ thống quản lý hài hòa hơn, có sự vào cuộc một cách tích cực của các thành phần xã hội, các bên tham gia, cũng như của nhiều ngành nghề, lĩnh vực. Việc quản lí di sản chủ yếu dựa trên các văn bản pháp quy, theo ngành dọc của các bộ, ngành chủ quản mà thiếu tính liên thông cũng như thiếu sự nhìn nhận khách quan, thiếu sự tham gia, vào cuộc từ phía cộng đồng và xã hội. Những bất cập nảy sinh trong thực tiễn triển khai công tác trùng tu di tích, bảo vệ làng cổ, cũng như trong khôi phục lễ hội, khai thác du lịch thiếu bền vững… xuất phát từ chính công tác quản lí, bảo vệ di sản thiếu sự hiểu biết, từ sự xung đột lợi ích và không có tiếng nói của chủ thể văn hóa. Việc tu bổ, tôn tạo di tích một cách tự phát, dẫn đến làm biến dạng thậm chí huỷ hoại di tích vẫn thường xảy ra, nhất là các di tích có nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước. Công tác quy hoạch, nghiên cứu giá trị di sản còn manh mún, chưa được triển khai một cách đồng bộ, cũng như được đầu tư, nghiên cứu chuyên sâu một cách khoa học. Sự hiểu biết về di sản còn nhiều bất cập, chẳng hạn như về việc ghi danh di sản. Các địa phương xây dựng hồ sơ xin xếp hạng di tích lịch sử quốc gia, di sản thế giới, di sản văn hóa phi vật thể theo cách danh sách ghi danh mà không hiểu rõ mục đích ghi danh. Song song với điều đó, sự xung đột giữa thực thi Luật Di sản với lợi ích kinh tế của các tập đoàn kinh tế lớn, nhỏ và thực tiễn đời sống của cộng đồng dân cư đã và đang tạo ra nhiều thách thức và mâu thuẫn, xung đột.
Những thách thức này là bài toán cho công tác đào tạo, nghiên cứu về di sản cần được giải quyết để đảm bảo di sản được bảo vệ, phát huy một cách bền vững cho thế hệ hiện tại và tương lai.
Phú Quốc - Điểm đến mới của thế giới. Ảnh: Internet
Nhân lực trong lĩnh vực Di sản học: Thiếu và yếu
Đào tạo về di sản theo hướng tiếp cận liên ngành là hướng đi mà thế giới đã triển khai từ đầu thế kỉ XXI. Theo đó, chương trình đào tạo (CTĐT) được hình thành và xây dựng dựa trên một số trụ cột kiến thức từ khoa học xã hội và nhân văn, khối kiến thức tự nhiên và khối kiến thức kiến trúc - xây dựng, kết hợp với các công cụ và chế tài tích hợp.
Ở Việt Nam, việc đào tạo nhân lực cho di sản hiện đang được tiến hành theo hướng đơn ngành thông qua một số CTĐT đại học, sau đại học và các chương trình tập huấn ngắn hạn, định kỳ. Các chương trình chủ yếu đào tạo về bảo vệ, bảo tàng, quản lí nhà nước về văn hoá hoặc đào tạo chuyên sâu về một loại hình di sản, một số kỹ năng làm việc với di sản hoặc một số phương pháp kỹ thuật bảo quản, phục chế di tích, di vật. Các chương trình này cung cấp nguồn nhân lực cho các hoạt động liên quan đến các công đoạn nghiên cứu và phát huy di sản ở nhiều mức độ khác nhau, nhưng còn thiên về nghiên cứu từng khía cạnh của di sản.
Hang Sơn Đoòng - Hang động tự nhiên lớn nhất thế giới. Ảnh: Internet
Nguồn nhân lực di sản ở Việt Nam còn thiếu hụt về số lượng và hạn chế về chất lượng. Điều này dẫn đến tính chuyên nghiệp chưa cao trong công tác quản lí, thực hành và nghiên cứu di sản. Nhân lực cho di sản được đào tạo từ nhiều ngành khác nhau, trong đó có nhiều chuyên gia đầu ngành được đào tạo về sử học, khảo cổ học, kiến trúc… nhưng lại chưa thực sự tiếp cận vấn đề về di sản với tư duy liên ngành, chưa có năng lực cần thiết về di sản. Việc nhìn nhận di sản ở nhiều khía cạnh, chiều kích khác nhau cũng như có năng lực, kỹ năng mềm là vô cùng cần thiết trong công cuộc bảo vệ và phát huy di sản. Điều này đặt ra yêu cầu bức thiết trong việc trang bị kiến thức và năng lực cho nguồn nhân lực làm công tác di sản, quản lý di sản.
Sử dụng cách tiếp cận liên ngành để khám phá di sản
Trước yêu cầu của thời đại về nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực di sản, Khoa Các khoa học liên ngành đã mở mới CTĐT bậc tiến sĩ ngành Di sản học theo tư duy và cách tiếp cận liên ngành. Chương trình sẽ đào tạo cho các chuyên gia, nhà quản lý, nhà nghiên cứu những kiến thức cần thiết để nhận diện, đánh giá, bảo vệ, phát huy, quản lý, ứng dụng và quảng bá các nguồn tài nguyên di sản. Chương trình sử dụng cách tiếp cận liên ngành để khám phá mối quan hệ qua lại giữa các yếu tố lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật, địa lý, môi trường, thiên nhiên, kinh tế - xã hội với di sản.
CTĐT bậc tiến sĩ Di sản học sẽ cung cấp hệ thống lý thuyết, các kiến thức chuyên sâu liên quan đến di sản từ hướng tiếp cận liên ngành và những công cụ hỗ trợ phục vụ giải quyết các bài toán thực tiễn về di sản, phát huy giá trị di sản trong phát triển kinh tế, xã hội.
Tháp Chăm nghìn năm tuổi ở Bình Định. Ảnh: Internet
Chủ nhiệm Khoa Các khoa học liên ngành Nguyễn Văn Hiệu cho biết, CTĐT này sẽ phát triển theo hướng nghiên cứu chuyên sâu, cập nhật kiến thức về di sản, đồng thời có tính thực tiễn cao. Để di sản thực sự có thể kiến tạo những giá trị mới, đòi hỏi một cách tiếp cận sáng tạo và tư duy liên ngành trong các hoạt động quản lý, thực hành, tìm hiểu và nghiên cứu. Đó chính là những nền tảng cốt lõi được xây dựng và phát triển, đúc rút từ kinh nghiệm ở Việt Nam và quốc tế, tạo nên điểm khác biệt cho CTĐT tiến sĩ về Di sản học. Đây là một trong những bước đi tạo nền móng cho định hướng trở thành trung tâm phát triển các lĩnh vực sáng tạo - nghệ thuật, hướng tới trở thành Trường Liên ngành Sáng tạo và Nghệ thuật trực thuộc ĐHQGHN.
Được kỳ vọng là đơn vị phát triển các CTĐT mới mang tính liên ngành, liên lĩnh vực trong ĐHQGHN, Khoa Các khoa học liên ngành đang từng bước góp phần hiện thực hóa sứ mệnh tiên phong trong sáng tạo các tri thức mới thông qua việc xây dựng, triển khai một số CTĐT liên ngành ở ĐHQGHN. Khoa Các khoa học liên ngành là đơn vị đầu tiên và duy nhất trên cả nước đào tạo cả 3 bậc của ngành Di sản học: cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ. Đặc biệt, Khoa còn là đơn vị nằm trong mạng lưới các trường đại học đào tạo về di sản ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và là đối tác đào tạo tin cậy của tổ chức UNESCO về lĩnh vực di sản.
Vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận là Di sản thế giới về giá trị địa chất địa mạo. Ảnh: Internet
CTĐT Di sản học của ĐHQGHN thể hiện tính tiên phong trong đào tạo liên ngành và hệ thống giáo dục quốc dân. Chương trình thể hiện tầm nhìn, tính tiên phong của ĐHQGHN trong đào tạo và nghiên cứu các vấn đề liên ngành thực tiễn xã hội Việt Nam.
Triết lý của CTĐT là quản lý, bảo vệ, phát huy các giá trị di sản và kiến tạo di sản cho hiện tại và tương lai bằng tiếp cận liên ngành để phát triển bền vững, với sự tham gia chủ động, tích cực của cộng đồng.
Chương trình được triển khai để đảm bảo đào tạo ra các nghiên cứu sinh được trang bị hệ thống kiến thức, kỹ năng ở bậc cao, có tư duy vận dụng cơ sở lý luận của ngành, liên ngành trong việc giải quyết các vấn đề, bài toán của di sản trong bối cảnh hiện đại.
Đa dạng vị trí việc làm sau tốt nghiệp
Người học tốt nghiệp CTĐT tiến sĩ Di sản học có thể đảm nhận các vị trí công tác theo bốn nhóm chính là: (1) Nghiên cứu; (2) Giảng dạy; (3) Tư vấn và hoạch định chính sách; và (4) Phát triển dự án (theo hướng ứng dụng).
Tiến sĩ ngành Di sản học có thể đảm nhiệm những vị trí lãnh đạo, quản lý ở các viện nghiên cứu, các trường đại học, các cơ quan quản lí văn hóa như Văn phòng Chính phủ; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Ủy ban Nhân dân các cấp; Bộ Ngoại giao, Ủy ban Văn hóa đối ngoại; các đơn vị, cơ quan có chức năng hoạch định, tham mưu, tư vấn chính sách trong khối nhà nước và tư nhân.
Tam Cốc - Bích Động (Ninh Bình) - Ảnh: Internet
Người học sau khi tốt nghiệp có thể làm việc tại các cơ quan thực hành liên quan đến di sản: bảo tàng, thư viện; các ban quản lý di tích và danh thắng các cấp, các vườn quốc gia, doanh nghiệp liên quan đến di sản; các doanh nghiệp, đơn vị dịch vụ của công nghiệp di sản trong khối nhà nước và tư nhân; các cơ quan thông tấn, báo chí, truyền thông và các tổ chức phi chính phủ; các tổ chức xã hội, tổ chức cộng đồng thực hành di sản từ thấp đến cao, các tổ chức quốc tế liên quan đến di sản.
Tiến sĩ ngành Di sản học có thể tham gia xây dựng và làm chủ nhiệm các đề tài, dự án hợp tác quốc tế, cấp nhà nước, cấp Bộ, Ban, ngành, địa phương liên quan đến di sản; giảng dạy tại các trường đại học, các viện nghiên cứu trong các lĩnh vực liên quan đến văn hóa và di sản; tham gia tư vấn chính sách, tư vấn ra quyết định đầu tư liên quan đến di sản; phát triển và điều hành các dự án nghiên cứu, dự án bảo tồn, ứng dụng và phát triển di sản.
Ngoài ra, người học sau khi tốt nghiệp có khả năng học tập, nâng cao trình độ thông qua các dự án nghiên cứu nâng cao và chuyên sâu các vấn đề chuyên môn ở quy mô khu vực và quốc tế; kết nối với mạng lưới nghiên cứu, giảng dạy quốc tế để trao đổi tri thức và giải quyết các vấn đề di sản thực tiễn được đặt ra ở Việt Nam và trong khu vực.
Nguồn ĐHQGHN