Sức hút của du lịch tâm linh
Với nhiều di tích lịch sử, văn hóa, các lễ hội văn hóa dân gian ở khắp các tỉnh, thành phố, từ lâu du lịch tâm linh đã phát triển, đáp ứng nhu cầu vừa du lịch, vừa hành hương, đi lễ của du khách. Các sản phẩm du lịch tâm linh ngày càng được nâng cao chất lượng, mang đến nhiều trải nghiệm cho du khách. Đây cũng được xem là một trong những dòng sản phẩm có thể tạo sức hút cho du khách quốc tế khi đến Việt Nam.
Lợi thế của du lịch tâm linh
Theo Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, du lịch tâm linh là loại hình du lịch văn hóa, khai thác những yếu tố tâm linh dựa vào những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể. Vì thế, du lịch tâm linh mang lại những cảm xúc và trải nghiệm thiêng liêng về tinh thần của con người trong khi đi du lịch.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Nguyễn Anh Tuấn cho biết, Việt Nam có nhiều tiềm năng và thế mạnh để phát triển du lịch tâm linh, thể hiện ở bề dày văn hóa gắn với truyền thống, tôn giáo, tín ngưỡng. Ngoài ra, sự đa dạng, phong phú với số lượng lớn các tín ngưỡng, lễ hội dân gian được tổ chức quanh năm trên phạm vi cả nước, cùng nhu cầu du lịch, đi lễ của du khách đã trở thành động lực thúc đẩy du lịch tâm linh phát triển. Còn theo Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội Phùng Quang Thắng, số lượng khách tham gia du lịch tâm linh ngày càng tăng, chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu khách du lịch, cho thấy du lịch tâm linh ngày càng giữ vị trí quan trọng trong đời sống xã hội.
Trên thực tế, hoạt động kinh doanh, đầu tư vào du lịch tâm linh tại Việt Nam ngày càng được đẩy mạnh, thể hiện ở quy mô, tính chất hoạt động của các khu, điểm du lịch tâm linh. Nhiều năm trở lại đây, ở hầu hết các địa phương trên cả nước đã hình thành các khu du lịch, văn hóa tâm linh, thu hút đông đảo du khách thập phương, như: Đền Hùng (Phú Thọ), Yên Tử (Quảng Ninh); Tây Yên Tử (Bắc Giang), chùa Hương (Hà Nội); Tam Chúc (Hà Nam), chùa Bái Đính (Ninh Bình), Côn Sơn - Kiếp Bạc (Hải Dương), Tây Thiên (Vĩnh Phúc), Đền Trần - Phủ Dầy (Nam Định)…
Đánh giá về tiềm năng du lịch tâm linh tại Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho rằng, đây là dòng sản phẩm du lịch văn hóa rất hấp dẫn và là đặc trưng của Việt Nam. Nếu khai thác tốt, du lịch tâm linh còn mang đến nhiều lợi ích, không chỉ thu hút khách nội địa, mà còn là sản phẩm để thu hút khách quốc tế.
Đa dạng sản phẩm để hút khách
Mỗi dịp đầu năm mới, nhu cầu du xuân, đi lễ của người dân lại tăng cao. Các điểm di tích, du lịch tâm linh luôn trong tình trạng rất đông du khách. Tại Hà Nội, chỉ tính riêng đợt nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, chùa Hương đã thu hút hơn 3 vạn du khách; Hoàng thành Thăng Long thu hút 3,3 vạn du khách; Khu di tích đền Sóc đón gần 1 vạn người/ngày từ Tết Nguyên đán đến Rằm tháng Giêng…
Theo Giám đốc Công ty Lữ hành VietSense Nguyễn Văn Tài, du lịch tâm linh đang là sản phẩm nổi bật nhất được du khách lựa chọn nhiều trong các chuyến du xuân đầu năm. Còn theo Giám đốc Công ty Du lịch WonderTour Lê Công Năng, du lịch tâm linh là sản phẩm mang lại lợi ích cho các đơn vị lữ hành. Bên cạnh số đông khách tự đi, rất nhiều đoàn khách đặt dịch vụ từ các công ty để có nhiều trải nghiệm hơn.
Nhằm nâng cao chất lượng các tour du lịch tâm linh, gần đây, nhiều đơn vị đã xây dựng sản phẩm mới, tăng thêm trải nghiệm cho du khách. Cụ thể, Công ty Du lịch SGo Travel phối hợp với UBND tỉnh Bắc Giang khởi động lại tour du lịch “Theo dấu chân Phật hoàng”, giúp du khách không chỉ hành hương, đi lễ, mà còn có nhiều hoạt động khám phá các địa chỉ văn hóa, di tích của tỉnh Bắc Giang. Mới đây, Ban Quản lý Khu di tích đền Sóc (huyện Sóc Sơn) đã phối hợp với Công ty Du lịch Sunvina Travel và WonderTour xây dựng sản phẩm du lịch tâm linh kết hợp chăm sóc sức khỏe để mang tới trải nghiệm mới cho du khách. Giám đốc Công ty Du lịch Sunvina Travel Tạ Hữu Chiến cho hay, việc kết hợp du lịch tâm linh với du lịch chăm sóc sức khỏe, giúp thu hút du khách ở khu vực ngoại thành Hà Nội và sẽ là sản phẩm để hấp dẫn khách quốc tế.
Nhận định sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh là “mỏ vàng” có thể tạo nguồn thu cho du lịch, Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội Phùng Quang Thắng cho rằng, để hấp dẫn du khách hơn nữa, nhất là khách quốc tế, ngoài việc tập trung đầu tư về nguồn lực, các địa phương, đơn vị kinh doanh du lịch cần tăng trải nghiệm cho du khách dựa vào các giá trị văn hóa sẵn có, hướng du khách tới giá trị “chân - thiện - mỹ” trong các hoạt động thực hành tín ngưỡng dân gian.
Còn tại Hà Nội, du lịch văn hóa, tâm linh luôn được thành phố coi trọng, phát triển. Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, du lịch văn hóa vẫn là cốt lõi của du lịch Thủ đô. Để phát huy thế mạnh của loại hình du lịch này, Sở đề nghị các địa phương không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ, xây dựng các sản phẩm liên kết để tăng tính trải nghiệm, hấp dẫn mới cho du khách.
Nguồn: Sưu tầm