Thuốc thử cho một chính sách “tạm thời”
Việc tồn tại các bãi đỗ xe cả hợp pháp lẫn tự phát đang là trở ngại lớn nhất có thể nhìn thấy ngay với người đi bộ, đi xe đạp. Rất ít trong số này giữ lại được không gian tối thiểu 1,5m cho người đi bộ. Đa số đều lấn thêm diện tích để tối ưu hóa lợi nhuận.
Vào những năm 1990, Hà Nội từng là “kinh đô” của phương tiện phi cơ giới, khi đi bộ và đạp xe đáp ứng 70% nhu cầu đi lại của người dân. Sự kết nối của công trình kiến trúc với đường phố và sự dịch chuyển đều theo hướng tiện nghi cho xe đạp.
Đến nay, sau 3 thập kỷ, với sự bùng nổ của ô tô, xe máy, với nhiều tuyến đường vành đai, đường cao tốc trên cao, bức tranh giao thông đô thị đã thay đổi đáng kể. Nhưng vẫn chưa bao giờ là quá muộn, để giảm lệ thuộc vào phương tiện cơ giới.
Giống các thành phố xanh khác trên thế giới, Hà Nội đang từng bước quay trở lại, hướng về giao thông phi cơ giới. Rào chắn vỉa hè bảo vệ không gian cho người đi bộ, nghiên cứu lập làn riêng cho xe đạp – Đó là những chủ trương đúng đắn, khả thi và cần được ủng hộ.
Nhưng quy mô và sự quyết tâm đến đâu, cần nhìn sâu hơn về một chính sách tình thế mà Hà Nội đang áp dụng: Cấp phép tạm thời cho các bãi trông giữ xe trên vỉa hè, dưới lòng đường.
Thực tế, phần lớn các thành phố phát triển đều kết hợp làn riêng cho người đi bộ, đi xe đạp ở trên vỉa hè. Những nơi vỉa hè không đủ rộng, người đi xe đạp sẽ được được ưu tiên một làn dưới đường sát lề bên phải.
Chưa rõ Hà Nội sẽ hoạch định làn riêng cho xe đạp ở vị trí nào, nhưng vị trí trên vỉa hè và sát lề đường hiện nay đa số đều bị sử dụng làm bãi đỗ xe. Thực tế này buộc người đi xe đạp phải vào công viên, đường ven hồ để đi, nếu không muốn liều mạng gia nhập cùng các làn xe cơ giới.
Việc tồn tại các bãi đỗ xe cả hợp pháp lẫn tự phát đang là trở ngại lớn nhất có thể nhìn thấy ngay với người đi bộ, đi xe đạp. Rất ít trong số này giữ lại được không gian tối thiểu 1,5m cho người đi bộ. Đa số đều lấn thêm diện tích để tối ưu hóa lợi nhuận.
Chính sách cho thuê một phần vỉa hè, lòng đường làm bãi đỗ xe được thuyết minh là một chính sách tạm thời trong bối cảnh vỡ quy hoạch các bãi đỗ xe tập trung. Người đi ô tô lên phố không biết đỗ ở đâu. Và do vậy, nó tồn tại bất chấp gây xung đột với hàng loạt chính sách khác, trong đó có chủ trương ưu tiên người đi bộ, dành làn riêng cho xe đạp.
Thông thường, làn đường dành riêng cho xe đạp thường được bố trí trên vỉa hè, khi qua giao lộ sẽ nằm sau vạch sang đườn cho người đi bộ
Thông thường, làn đường dành riêng cho xe đạp thường được bố trí trên vỉa hè, khi qua giao lộ sẽ nằm sau vạch sang đườn cho người đi bộ
VOV Giao thông từng nhiều lần đề cập, chính sách tạm thời này gây hại ra sao đến bức tranh giao thông đô thị của Hà Nội. Khi việc đầu tư trông giữ xe trên vỉa hè, dưới lòng đường quá đơn giản, ít vốn, lợi nhuận cao có hấp lực lớn hơn nhiều so với việc lập đề án, xin giấy phép đầu tư các bãi đỗ xe ngầm, thông minh mà thời gian hồi vốn tính bằng thập kỷ!
Các bãi đỗ xe này cũng vô tình khuyến khích việc tự lái xe cá nhân vào nội đô bằng khả năng dừng đỗ tùy tiện – một điều mà chính Hà Nội đang ra sức hạn chế. Chưa kể các chướng ngại trên vỉa hè còn cản trở người dân tiếp cận xe buýt, đường sắt đô thị.
Nếu không có cách tiếp cận chính xác, chính sách cấp phép đỗ xe “tạm thời” có thể sẽ là “mãi mãi”.
Siết chặt công sản, trả lại đường thông hè thoáng sẽ thúc đẩy người dân đi bộ, đạp xe đến hệ thống giao thông công cộng; tăng phí trông giữ xe đến mức hấp dẫn được các nhà đầu tư làm bãi đỗ xe hiện đại, lập rào cản về kinh tế sẽ giúp hạn chế xe cá nhân vào nội đô.
Nhìn bề ngoài, “làn đường riêng cho xe đạp” và “trông giữ xe tạm thời trên vỉa hè, dưới lòng đường” là hai chính sách riêng biệt.
Nhưng thực tế, đề xuất mới nhất lại là một phép thử cho quyết tâm của chính quyền thành phố này thông qua một chính sách tạm thời. Liệu họ có thực sự nghiêm túc với việc giảm lệ thuộc vào xe cơ giới cá nhân?
Theo vov