Cách Baemin bứt tốc trên thị trường giao đồ ăn

Tháng 9 30, 2022 - 23:02
Tháng sáu 12, 2023 - 23:29
 0  12
Cách Baemin bứt tốc trên thị trường giao đồ ăn

Baemin tập trung vào cảm xúc khách hàng thay vì chạy đua khuyến mại nên nhanh chóng gia tăng độ phủ sóng tại Hà Nội và TP HCM.

Vừa qua, công ty Nghiên cứu thị trường Asia Plus công bố báo cáo về thị trường giao đồ ăn trực tuyến (food delivery) Việt Nam giai đoạn cuối năm 2020. Khảo sát cho thấy, Baemin không đứng đầu về thị phần song có mức tăng trưởng ấn tượng trong giai đoạn dịch bệnh. Nhờ đó, thương hiệu đến từ Hàn Quốc vượt mặt GoJek vào Top 3 thị trường giao đồ ăn, sau các "anh lớn" Grab Food và Now.

Đánh giá về mức độ phổ biến của các ứng dụng gọi đồ ăn, khảo sát này cho thấy, có 37% người được hỏi thường xuyên chọn Grab Food, trong khi đó Now và Baemin lần lượt là 34% và 16%.

Biểu đồ so sánh độ phổ biến của các ứng dụng giao đồ ăn tạo Việt Nam. Nguồn: Q&Me Vietnam Market Research.

Baemin gia nhập vào Việt Nam từ tháng 6/2019, đúng thời điểm thị trường giao đồ ăn đang sôi động. Hàng loạt tên tuổi trong và ngoài nước tham gia thị trường, "đốt tiền" cho cuộc đua giành thị phần bằng cách tung ra khuyến mãi "khủng". Sức ép cạnh tranh về chi phí khiến nhiều dịch vụ phải sớm dừng chân. Be chính thức tạm dừng dịch vụ giao đồ ăn beFood. Trước đó, Lala (thuộc Ahamove) đã đóng cửa sau một năm thử nghiệm, FoodPanda phải sáp nhập với Vietnammm.

Hiện thị trường chứng kiến cuộc đua của các tên tuổi Grab Food, Now, Baemin, GoJek, Loship và một số đơn vị bán lẻ gia nhập mang tính thăm dò ở mảng đi chơi, giao thực phẩm tươi sống...

Hoạt động quảng bá của Baemin.

Là người đi sau đến muộn, Baemin tập trung ở quy mô nhỏ để đảm bảo thời gian giao hàng, mật độ tài xế trước khi mở rộng. Trong khi các đối gia tăng cải thiện tốc độ giao hàng, khuyến mại hay miễn phí giao hàng, tân binh đến từ Hàn Quốc lại tập trung khai thác cảm xúc của khách hàng khi thưởng thức món ngon.

Nhờ đó, sau thời gian ngắn, thương hiệu đã có hàng chục nghìn đối tác tài xế hoạt động rộng khắp tại TP HCM và Hà Nội. Theo đại diện Baemin, lúc này, công ty có thể tiếp nhận và xử lý 30.000-40.000 đơn hàng trong các khung giờ cao điểm. Trung bình mỗi ngày số đơn hàng khoảng 200.000 đơn.

Hướng tới hệ sinh thái

Khảo sát của Asia Plus thực hiện với đối tượng khách hàng ở độ tuổi 18-45, cho thấy, giới trẻ tại TP HCM là khách hàng thường xuyên của Baemin, trong khi Grab Food phổ biến hơn với người lớn tuổi; còn Now được giới chị em ưa chuộng.

Nhắm tới nhu cầu thị hiếu và lối sống, phong cách của giới trẻ và dân văn phòng Baemin xây dựng hình ảnh là một chuyên gia ẩm thực, hiểu tâm lý và gu ăn uống của người trẻ, đặc biệt là nhóm khách hàng gen Z. Giải thích cho hướng đi này, đại diện thương hiệu cho biết, theo ước tính, đến năm 2025, Việt Nam có 15 triệu người thuộc thế hệ Z – lực lượng đóng góp 21% vào nguồn lao động và chiếm 30% lực lượng tiêu dùng Việt Nam. Nhóm khách hàng này có mức chi tiêu cho đồ ăn, thức uống khá cao, trung bình gần một triệu đồng/tháng (theo số liệu từ Decision Lab).

Tài xế Baemin hoạt động tại Hà Nội.

Trong khi đó, theo báo cáo của Kantar TNS, so với khu vực, quy mô thị trường giao đồ ăn ở Việt Nam hiện rất nhỏ, chỉ chiếm 0,3% thị trường thế giới và còn nhiều dư địa tăng trưởng. Ngành giao đồ ăn đang tiếp tục có cuộc sàng lọc khốc liệt với nhiều ẩn số khó đoán hơn với xu hướng mở rộng lĩnh vực của giới công nghệ.

Theo các chuyên gia, với sự hậu thuẫn của kỳ lân Woowa Brothers (công ty mẹ), Baemin sẽ có nền tảng vững chắc hơn và nhiều cơ hội bứt phá trong năm 2021. "Chúng tôi hướng đến vị trí là một trong những doanh nghiệp đầu ngành với các mảng dịch vụ lân cận trong hệ sinh thái ẩm thực - foodtech", ông Nguyễn Trung Thành, Giám đốc Điều hành Baemin Việt Nam, cho biết.

Theo  VnExpress