Di tích lịch sử văn hóa chùa Kim Quan
Chùa Kim Quan
Chùa Kim Quan có tên chữ là “Ân Quang tự”. Chùa quay hướng đông – bắc, tọa lạc trên một khu đất cao, rộng, bằng phẳng, nằm ở tây – bắc thôn Kim Quan thuộc xã Việt Hưng, huyện Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội. Trước năm 1945, xã nguyên là phần đất các xã Kim Quan, Lệ Mật và Trường Lâm, tổng Gia Thụy, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh. Đến năm 1961, nhập vào Hà Nội. Ngày 6 tháng 11 năm 2003, xã Việt Hưng đổi thành phường Việt Hưng thuộc quận Long Biên, nội thành Hà Nội, và chùa Kim Quan ở tổ 4 của phường.
Một số nguồn sử liệu cho biết, cùng với đình, chùa Kim Quan có lịch sử gắn liền với sự hình thành và phát triển của làng Kim Quan cổ, vốn là làng Bạch Thổ (đất trắng) nay là thôn Giang Cao, xã Bát Tràng. Làng ở ngoài bãi sông Hồng cho nên mỗi khi mùa mưa về, lũ lụt làm ngập úng, sụt lở, mùa màng bị mất trắng, nhà cửa bị cuốn trôi, dân trong làng lâm vào tình cảnh nghèo đói, cơ cực. Đến thời Lê Hiển Tông (1448 – 1504), có vị quan kiêm phò mã họ Lê tên là Đạt Chiêu, thấy cảnh như vậy bèn tâu vua, xin cho dân đến vùng đất mới lập thành làng có tên là Kim Quan như ngày nay.
Chùa Kim Quan có cấu trúc mặt bằng bao gồm Tam quan, sân, chùa chính, ban thờ Tổ và ban thờ Mâu, vườn ruộng… Hiện nay, phạm vi đất chùa bị thu hẹp bởi những nguyên nhân do lịch sử để lại như trong thời gian chiến tranh và quá trình đô thị hoá.
Chùa có cấu trúc hình chữ đinh, phía trước là toà Tiền đường gồm 3 gian, 2 dĩ, có 4 bộ vì (2 bộ giữa thay thế bằng sắt, 2 bộ vì kèo gian bên bằng gỗ) tứ thiết, mái phân “thượng tam, hạ tứ”, đầu con rường tạo nổi hình Hổ phù. Phía trước mở 3 lối ra vào, cánh cửa làm kiểu thượng song hạ bản, song cửa hình con tiện, phần bức bàn chạm khắc trang trí các đề tài như: tùng, trúc, cúc, mai tượng trưng cho 4 mùa: xuân, hạ, thu, đông, kèm theo là các hình như cuốn thư, quả đào, quả Phật thủ... Các bộ vì kèo có cấu tạo thượng chồng rường, hạ kẻ, tạo tác đơn giản theo lối bào trơn đóng bén. Đề tài chạm khắc chủ yếu là các hình tượng quen thuộc như Rồng, mây, đao lửa, lá, mặt Hổ phù… biểu tượng cho sức mạnh tự nhiên như mây, mưa, sấm, chớp (vân, vũ, lôi, điện) nói lên sự cầu mong nguồn nước, mưa thuận, gió hòa của cư dân làm nông nghiệp.
Thân các bẩy hiên được cách điệu hình Rồng, phần mộng giữa cột và bẩy được che bởi thân Rồng, tạo cho cấu trúc vừa chắc khoẻ lại vừa có được nét uyển chuyển, mềm mại. Đầu bẩy khắc hình chữ thọ. Hàng cột hiên bằng gỗ lim, đường kính chừng 25cm.
Toà Thượng điện nối với gian giữa của Tiền đường. Tiền đường là một nếp nhà dọc 2 gian, gồm 3 bộ vì kèo bằng gỗ, kết cấu kiểu con chồng, mái phân thượng nhất hạ nhị. Toàn bộ Phật điện, ban thờ sư Tổ của chùa, ban thờ Mẫu, sắp xếp trong cùng gãy chùa chính.
Nổi bật ở chùa Kim Quan là nghệ thuật chạm khắc tượng tròn bài trí trên toà Thượng điện:
Lớp thứ nhất: trên và trong cùng là pho tượng A Di Đà trong tư thế ngồi tọa thiền, tóc xoáy ốc; đầu để lộ viên đỉnh, khuôn mặt phúc hậu, mắt nhìn xuống như đang suy tư sống mũi cao thẳng, tai dài, dày.
Lớp thứ hai: đứng hai bên là tượng Quan Thế âm và Đại Thế Chí là 2 vị Thị giả giúp việc cho Phật A Di Đà ở tư thế đứng, 1 vị tay đỡ dải mây trên có hình triện, 1 vị tay cầm ngọc và bình nước cam lồ, tượng cao 1,35m.
Lớp thứ ba: trung tâm là toà Cửu Long diễn tả Phật Thích Ca Mâu Ni lúc mới sinh theo truyền thuyết của nhà Phật, là hình một chú bé đóng khố, trong tư thế đứng, tay trái chỉ lên trời, tay phải chỉ xuống đất, có con Rồng phun nước để tắm cho Ngài. Tắm xong, Ngài tự ôi được 7 bước về phía trước, tay trái chỉ lên trời, tay phải chỉ xuống đất rồi nói: “Thiên thượng, thiên hạ, duy ngã độc tôn” (trên trời, dưới đất duy chỉ có ta là tôn quý hơn cả). Xung quanh nền Rồng có những đám mây điểm xuyết chư Phật và Bồ Tát, tượng trưng cho cho một Phật điện đầy đủ.
Bên trái tòa Cửu Long là tượng Phạm Vương, bên phải là tượng Đế Thích ngồi trên ngai, tượng cao 1,12m. Những pho tượng tròn trên thực sự là những tác phẩm điêu khắc có giá trị nghệ thuật cao. Những nét tạo tác mạch lạc, đường nét thoáng, trau chuốt, làm cho tượng có bố cục hài hòa, cân đối. Những chi tiết cánh sen, bông hoa, thắt lưng, dải áo... phản ánh trình độ khá chắc tay của người nghệ sỹ điêu khắc dân gian.
Nhìn chung, toàn bộ tượng, hoành phi, câu đối sơn son thếp vàng, tạo cho toà Thượng điện thêm lung linh, huyền diệu. Ngoài Tiền đường đặt các ban thờ Đức Thánh Tăng, ban thờ Mẫu, ban thờ Đức ông và vị sư Tổ của chùa.
Trong quá trình tồn tại, do trải qua nhiều biến đổi của thiên nhiên và xã hội, nên các di vật của chùa cũng bị mai một. Hiện nay, ngoài các tượng kể trên, chùa còn lưu giữ được một số hiện vật có giá trị như: 1 bức đại tự (ân Quang tự), 4 câu đối, 1 đôi chân đèn đồng, 4 bát hương sứ, 1 bát hướng sành gốm nung, 1 quả chuông lớn niên hiệu Khải Định năm thứ 4 (1919), với tên đề: “Kim Quan tự chung” cao 1,08m, đáy 54,4cm. Trên chuông có Bài minh ghi rõ việc thập phương và bản thôn công đức tu sửa chùa. Phần dưới chuông có trang trí các hình tượng tứ linh là Long, Ly, Quy, Phượng cùng các hình hoa lá cách điệu, quả chuông này đã góp phần đánh giá và định niên đại cho chùa. Ngoài ra, trong chùa còn có 6 tấm bia đặt ở tường hồi bên trái
Tấm bia thứ nhất ghi: Ân Quang tự bi ký (Bài ký trên bia chùa ân Quang): niên đại Bảo Đại lục niên – 1931;
Tấm bia thứ hai ghi: Hậu Phật bi ký (Bài ký trên bia hậu Phật) , niên đại Bảo Đại nguyên niên – 1926 ;
Tấm bia thứ ba ghi: Ân Quang tự hậu ký (Bài ký trên bia hậu chùa ân Quang), niên đại Duy Tân ngũ niên – 1911;
Tấm bia thứ tư ghi: ân Quang tự hậu bi (Bia hậu chùa ân Quang) niên hiệu Bảo Đại… niên (chưa rõ năm);
Tấm bia thứ năm ghi: ân Quang tự hậu bi (Bia hậu chùa ân Quang), niên hiệu Khải Định lục niên – 1921;
Tấm bia thứ sáu ghi: Ân Quang tự hậu bi (Bia hậu chùa ân Quang), niên hiệu Khác Định lục niên – 1921.
Chùa Kim Quan là một di tích còn lưu giữ được những di vật có – giá trị và thực sự là những đi vật quý hiếm. Năm 1992, chùa Kim Quan đã được Bộ Văn hoá – Thông tin xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa.
Nguồn: Sưu tầm.