Đá ong Thạch Thất và những bí mật của nghề làm đá ong
Xã Bình Yên êm đềm với những xóm làng nhuộm sắc vàng tường đá ong bên những vạt đồi trải rộng. Từ xa xưa đá ong đã gắn bó với đời sống, tình cảm của người dân nơi đây và từng bước được nâng tầm thành nghề điêu khắc đá mỹ nghệ độc đáo.
Trong không gian sống người dân xã Bình Yên, huyện Thạch Thất, Hà Nội đá ong hiện hữu mọi nơi từ tường nhà, sân nhà, nơi thờ tự linh thiêng như đình, chùa đến nhà ở, bếp, giếng, hàng rào, cổng ngõ...
Những năm 1980, ngoài việc khai thác gạch để xây dựng trong gia đình, nhiều hộ dân còn bán ra thị trường, khiến Bình Yên thành nơi chuyên khai thác và kinh doanh đá ong.
Bên những vạt đồi, hay trong những khu vườn thôn Cánh Chủ, Yên Mỹ, Sen Chi… có thể dễ dàng gặp những người thợ đang xoay trần với đá, mồ hôi lã chã. Họ hì hục đào, gọt, vận chuyển những khối đá để về chế tác.
Khoảng 10 năm trở lại đây, từ những khối đá vô tri vô giác người dân xã Bình Yên đã sáng tạo ra nghề điêu khắc mỹ nghệ từ đá ong độc đáo, mang lại thu nhập cao cho người dân.
Ở xã Bình Yên có khoảng 200 hộ sống bằng nghề khai thác đá; và gần 20 cơ sở chuyên sản xuất và cung cấp các sản phẩm mỹ nghệ từ đá ong như: hổ, báo, voi, sư tử...; các sản phẩm dùng để trang trí như: đèn đá, chậu, chum, vại...; cung cấp vật liệu, thi công các công trình kiến trúc nhà hàng, khu nghỉ dưỡng, các công trình nội, ngoại thất.
Đá ong ở Bình Yên có 2 loại chủ yếu là đá lộ thiên và đá nằm sâu dưới đất. Để có loại vật liệu này, người khai thác phải có tính cần cù, kiên nhẫn, thông thường với người thợ đào giỏi, cật lực cả ngày cũng chỉ đào được 15 đến 20 viên là nhiều.
Các sản phẩm từ đá ong ở Bình Yên đa dạng về chủng loại, trong đó nghề chế tác đá ong mỹ thuật nổi trội hơn cả.
Theo những người thợ làm đá lâu năm ở Bình Yên, để làm ra một tác phẩm nghệ thuật từ đá ong rất kỳ công. Sau khi khai thác, từ khối đá to, người thợ dùng thuổng pha ra, rồi dùng dao, đục đẽo theo trí tưởng tượng.
Việc chế tác đá ong cũng rất kỳ công, để làm được nghề, ngoài bàn tay khéo léo người thợ phải có bộ óc sáng tạo và ý tưởng sáng tạo phong phú.
Đá ong cũng chẳng phụ công người, nếu làm đều, người làm đá cũng có thu nhập gần 300 nghìn đồng/ngày. Đó vừa là nguồn thu bảo đảm cuộc sống, vừa là niềm yêu thích vẻ đẹp đặc sắc của đá ong quê nhà.
Để lưu giữ lại cái “hồn” của đá, tạo ra sự độc đáo cho sản phẩm cũng như đảm bảo độ sử dụng bền vững, các hộ chế tác đá ở xã Bình Yên hầu như vẫn làm theo phương pháp chế tác thủ công.
Những con vật được điêu khắc tinh xảo của các cơ sở khai thác và chế tác đá ong với kích thước lớn được đặt ở ven đường xã Bình Yên.
Tùy theo nhu cầu đặt hàng của khách hay theo ý tưởng người thợ sẽ tiến hành chế tác những viên đá thành vật liệu xây dựng hay các tác phẩm mỹ thuật sử dụng cho các công trình nội, ngoại thất.
Từ những bàn tay người thợ, những tác phẩm điêu khắc được làm ra mang nét đẹp mộc mạc riêng có của vùng quê Bình Yên.
Theo một số chủ xưởng đá, giá cả mỗi sản phẩm điêu khắc phụ thuộc vào kích thước hay thời gian hoàn thành tác phẩm, ví như con vật nhỏ có giá khoảng 5 triệu/đôi thì làm khoảng 2,3 ngày mới xong, còn con lớn có giá 40 triệu/đôi người thợ phải làm trong khoảng nửa tháng.
Phong cách sống giản dị của người dân hiện hữu trên những công trình nơi đây, tạo nên một nét đặc sắc riêng, khó tìm được ở bất cứ một miền đất nào trong nước.
Đá ong là món quà quý thiên nhiên ban tặng cho vùng đất này, tuy nhiên việc khai thác mãi cũng có ngày cạn kiệt. Vì vậy, nhiều người cũng băn khoăn cần quản lý sao cho hiệu quả để đá ong mãi là nét đặc trưng của vùng đất xứ Đoài.
Nguồn: dangcongsan.vn