Lần đầu tiên ghép thành công cùng lúc tim, thận trên một bệnh nhân
Chiều 24-2, Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức công bố ca ghép đa tạng tim, thận đầu tiên thành công tại Việt Nam. Bệnh nhân này ở Tây Nguyên, nhận tạng từ người cho chết não ở Hà Nội. Ca ghép này đã đánh dấu bước trưởng thành của ngành ghép tạng nước ta.
Ca ghép cùng lúc tim, thận cho bệnh nhân Q diễn ra suốt 10 giờ đồng hồ tại Bệnh viện Hữu nghị Việt-Đức.
GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt-Đức cho biết, bệnh nhân là T.T.Q (37 tuổi ở Tây Nguyên) bị mắc bệnh cơ tim giãn, suy tim, rối loạn nhịp nặng, dẫn đến suy thận giai đoạn cuối.
Bệnh nhân này phải chạy thận nhân tạo liên tục trong 5-6 năm và thường xuyên điều trị cấp cứu ở các trung tâm tim mạch lớn tại thành phố Hồ Chí Minh và Huế do các cơn nhịp nhanh cấp tính.
Giữa năm 2022, anh Q được giới thiệu đến Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức. Sau khi đánh giá kỹ, hội đồng chuyên môn của bệnh viện đã thống nhất chỉ định thực hiện ghép đồng thời cả tim và thận cho bệnh nhân với nguồn tạng hiến từ người cho chết não.
“Tuy ghép tim và ghép thận là các kỹ thuật rất thường quy tại bệnh viện nhưng ghép cả 2 tạng cùng lúc vẫn là một thách thức lớn, đòi hỏi đội ngũ thầy thuốc phải có sự chuẩn bị rất kỹ càng”, GS.TS Trần Bình Giang nói.
Với bệnh nhân Q, quá trình chờ đợi nguồn tạng hiến dài đằng đẵng. Trong suốt 6 tháng chờ đợi, không có trường hợp hiến tạng chết não nào thực sự phù hợp và bệnh nhân vẫn liên tục đến các bệnh viện để chữa suy tim và chạy thận.
Tối 9-2, một thanh niên chấn thương sọ não nặng được đưa đến một bệnh viện ở Hà Nội. Khi bệnh nhân được chẩn đoán chết não, gia đình đã đồng ý hiến đa tạng để cứu các ca bệnh nặng khác.
“May mắn, các chỉ số sinh học của thanh niên này đều phù hợp cao với bệnh nhân Q. Người hiến tạng cũng bị hỏng một số tạng do chấn thương nên chỉ hiến được tim và 1 quả thận”, Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức thông tin.
Điều đặc biệt, trong gia đình ca hiến đa tạng này, có người em có bệnh lý nặng cần ghép tim - phổi. Đáng tiếc, trong quá trình chờ đợi nguồn tim hiến, bệnh nhân đã không chờ được, vừa mất trước đó 2 tháng.
Sau khi xét nghiệm, các chỉ số đều phù hợp, mọi quy trình chuyên môn và thủ tục pháp lý để tiến hành ca ghép cho bệnh nhân Q nhanh chóng được hoàn thành.
Giám đốc bệnh viện Trần Bình Giang đã chỉ đạo thực hiện ca ghép lịch sử, với sự tham gia của rất nhiều đơn vị chuyên môn, như: Trung tâm Tim mạch và lồng ngực, Trung tâm Ghép tạng, Trung tâm Gây mê và hồi sức ngoại khoa, khoa Thận nhân tạo, khoa phẫu thuật Tiết niệu, cùng nhiều khoa, phòng, ban liên quan.
Đến ngày 15-2, tập thể thầy thuốc Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức đã thực hiện ca ghép. Ca ghép kéo dài 10 tiếng đồng hồ, từ 9h sáng tới 7h tối. Tất cả các diễn biến trong mổ hoàn toàn phù hợp với các quy trình đã chuẩn bị rất kỹ từ trước mổ.
Bệnh nhân Q hồi phục sau ca ghép cùng lúc tim, thận.
Diễn biến sau mổ tuy khá nặng nề, cả về chức năng tim ghép cũng như thận ghép, tới nay là ngày thứ 8 sau ghép, các chức năng của tim và thận của bệnh nhân đã phục hồi gần như bình thường. Bệnh nhân đã có thể ngồi dậy ăn uống và giao tiếp, không cần các phương tiện hỗ trợ đặc biệt về tim mạch và hô hấp.
PGS.TS Nguyễn Quang Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Ghép tạng, Bệnh viện Hữu Nghị Việt - Đức cho biết, đây là ca ghép đồng thời tim, thận thành công đầu tiên ở Việt Nam.
Trước đó, đã có 3 ca được ghép đa tạng thành công ở các trung tâm khác, nhưng là các ca ghép gan, thận; tụy, thận.
Theo GS.TS Trần Bình Giang, thời gian tới, Việt Nam sẽ cố gắng thực hiện ghép đa tạng nhiều hơn, không chỉ 2 tạng mà có thể thực hiện 3 - 4 tạng cùng lúc.