Nằm lòng 5 kỹ năng học đại học sinh viên cần trau dồi
1. Kỹ năng ghi chép
Ở trường đại học, giảng viên thường sẽ không ghi toàn bộ kiến thức lên bảng như cách học ở trường phổ thông, lượng kiến thức trong mỗi buổi của một số môn cũng có thể sẽ rất nhiều và phức tạp. Vì vậy, sinh viên cần phải biết cách tự ghi chép hiệu quả để đảm bảo có thể ghi nhận lại thật đầy đủ những kiến thức giảng viên đã cung cấp, đồng thời cũng có thể giúp cho việc ôn tập sau này được dễ dàng và tối ưu hơn.
Hiện nay, nhiều sinh viên có thói quen sử dụng điện thoại di động chụp lại phần bài giảng thầy cô trình chiếu thay vì ghi chép. Tuy nhiên, việc không ghi chép có thể sẽ khiến bạn bỏ lỡ những thông tin quan trọng cũng như gặp khó khăn trong việc truy xuất lại kiến thức đã được học sau này.
Để việc ghi chép được hiệu quả hon, các bạn sinh viên có thể thử áp dụng một số kỹ thuật sau đây. Thứ nhất là luôn ghi ngày tháng của bài giảng, việc này sẽ giúp bạn tránh bị lộn xộn trình tự kiến thức khi cần xem lại. Thứ hai là ghi cẩn thận tựa đề bài giảng, nhiều sinh viên chỉ đi vào ghi các chi tiết mà không ghi tựa bài, việc này có thể sẽ khiến bạn bị lẫn lộn giữa các chủ đề bài giảng với nhau. Thứ ba, bạn có thể thử dùng các kí hiệu, màu sắc để giúp cho phần ghi chép của mình thêm sinh động, đánh dấu lại những nội dung quan trọng, những từ khoá được thầy cô nhấn mạnh khi giảng bài.
Ngoài ra, bạn cũng có thể tham khảo phương pháp ghi chép Cornell - phương pháp giúp người học có thể trình bày kiến thức một cách khoa học và có hệ thống hơn bằng cách chia trang vở thành 3 phần: phần cuối trang dùng để viết tóm tắt nội dung đã được học, cột bên trái dùng để ghi những phần cần chú ý, mở rộng chủ đề bài học và phần bên phải để vẽ những sơ đồ, biểu đồ kiến thức, ý chính trong bài giảng. Nếu các bạn không tự tin với việc ghi chép trên giấy, bạn có thể thử sử dụng những ứng dụng chuyên để ghi chép như Notion.
2. Kỹ năng đọc tài liệu
Trong buổi đầu tiên của mỗi môn học, giảng viên thường sẽ cung cấp một danh sách những tài liệu tham khảo mà các bạn sinh viên cần đọc. Số lượng tài liệu tham khảo sinh viên cần đọc trong một học kỳ không phải là một con số nhỏ, nếu không có cách đọc hiệu quả và phù hợp, bạn sẽ không thể đáp ứng được lượng kiến thức mà môn học đó yêu cầu.
Nếu thời gian không cho phép bạn đọc chi tiết toàn bộ tượng tài liệu đó, hãy thử cách đọc lướt (skimming) và ghi chép lại những ý chính. Bạn có thể ghi chép những ý đó những tờ giấy ghi chú và dán vào tài liệu hoặc sách, hoặc cũng có thể tô màu các từ khóa, những câu có ý quan trọng và viết bình luận vào bên cạnh.
Ngoài ra, để có thể chắc chắn đã nắm bắt được toàn bộ những thông tin cốt lõi của tài liệu hoặc quyển sách, bạn có thể tự kiểm tra lại bằng cách tự trả lời những câu hỏi sau đây sau khi bạn đã đọc đến trang cuối cùng: Đề tài của bài đọc, hoặc quyển sách bạn đang đọc là gì? Tác giả đã kết luận gì về vấn đề ấy? Những lí do nào được đưa ra để chứng minh cho quan điểm của tác giả? Bạn đã học được những gì? Điều đó có bổ sung, liên quan đến kiến thức mình đã có? Lý lẽ của bài có thuyết phục không?...
3. Kỹ năng giao tiếp
Đại học Harvard đã thực hiện nghiên cứu trong 20 năm, chỉ ra kỹ năng thế giới việc làm đang và sẽ cần, cũng là điều mà học sinh THPT và rất nhiều sinh viên đại học đang thiếu và cần trau dồi nhiều hơn. Đó là kỹ năng giao tiếp hiệu quả qua văn nói và văn viết.
Hiện nay, mạng xã hội cho phép các bạn trẻ có cơ hội thực hiện rất nhanh những cuộc trò chuyện ngắn hay tham gia bình luận về một vấn đề nào đó. Tuy nhiên, việc giao tiếp mặt đối mặt vẫn là rất cần thiết, để cải thiện kỹ năng giao tiếp, các bạn sinh viên nên tăng cường việc trao đổi, tương tác với thầy cô trong các buổi học, vào các nhóm học tập và tham gia các buổi thảo luận với bạn bè.
Một điều cũng cần lưu ý khác là trong việc giao tiếp với người hơn tuổi, đặc biệt là thầy cô ở trường đại học, các bạn sinh viên nên có thái độ tôn trọng, bình tĩnh, tự tin và đi thẳng vào vấn đề.
4. Kỹ năng quản lý thời gian
Khi học đại học, hầu hết các bạn đều phải sống xa gia đình. Thời gian nào để đi học, thời gian nào để tham gia các hoạt động xã hội, vui chơi với bạn bè, giờ giấc để ăn uống, nghỉ ngơi, học tập... các bạn sinh viên đều phải tự lo liệu và sắp xếp. Nếu không có kỹ năng quản lý thời gian, các bạn sinh viên sẽ dễ rơi vào tình trạng bị quá tải, căng thẳng mỗi khi đến kỳ thi. Bên cạnh đó, việc không thể cân bằng được giữa thời gian nghỉ ngơi và thời gian học tập sẽ dẫn đến những ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe vật lý và sức khỏe tinh thần của các bạn sinh viên.
Để có thể sử dụng tối ưu quỹ thời gian hiện có và đảm bảo thời gian trong một ngày được phân chia hợp lý, bạn có thể thử áp dụng phương pháp làm to do list (danh sách các công việc cần hoàn thành được sắp xếp theo chế độ ưu tiên). Hãy xác định các mục tiêu theo tuần, theo tháng, ghi ra những công việc cần làm, sắp xếp, lên thời gian cụ thể và tự theo dõi tiến độ hoàn thành của bản thân.
5. Kỹ năng làm việc nhóm
Nhiều môn học ở đại học sẽ yêu cầu sinh viên thực hiện các bài tập nhóm, đề án hay tiểu luận theo nhóm. Vì vậy, việc trau dồi kỹ năng làm việc nhóm là rất cần thiết.
Nhiều sinh viên làm việc nhóm không hiệu quả do chủ nghĩa cá nhân quá cao, chỉ thích làm việc cùng những người đã quen biết trước đó nên khi được xếp vào một nhóm hoàn toàn mới dễ sinh ra tâm lý khó chịu và không muốn hợp tác. Tuy nhiên, cần lưu rằng khi đi làm, không phải lúc nào mình cũng sẽ được làm việc cùng những người mình thích hay có quen biết từ trước đó, do vậy, việc tập hạ cái tôi cá nhân xuống, rèn kỹ năng làm việc nhóm từ khi còn học đại học là rất quan trọng.
Để có thể làm việc nhóm hiệu quả, trước nhất, phải có kỹ năng lắng nghe. Lắng nghe là một kỹ năng mà người nghe phải tiếp nhận thông tin từ người nói, phân tích, phản hồi bằng thái độ tôn trọng dù đó có thể là ý kiến trái ngược với quan điểm của bản thân. Tiếp đến là kỹ năng chất vấn thông qua cách đặt câu hỏi, lời lẽ chất vấn cần lịch sự, thể hiện được tư duy phản biện tích cực. Ngoài ra cũng cần lưu ý đến kỹ năng thuyết phục, sự tôn trọng, sự trợ giúp và chia sẻ giữa các thành viên trong nhóm để đảm bảo đạt được hiệu quả như mong muốn, tạo ra bầu không khí tích cực và vui vẻ trong nhóm khi làm việc.
Nguồn: Tổng hợp